Việc xem xét lại Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng là cần thiết, nếu tiếp tục coi vàng là một loại hàng hóa, tài sản đầu tư thì cần phải xem xét đến việc sẽ quản lý điều này như thế nào.
>>Giá vàng tuần tới: “Ẩn số” nằm ở lạm phát Mỹ
Vàng không dành để đầu cơ
Tính đến ngày 7/1, giá vàng trong nước neo quanh 75 triệu đồng/lượng và vàng thế giới neo ở mức 2.045,3 USD/ounce, mức chênh lệch là khoảng 14,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng Việt Nam và giá vàng trên thế giới có sự chênh lệch bởi ba yếu tố đó là tỷ giá VND/USD, tự do thanh khoản và cung cầu trong nước.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có công điện tới Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành về giải pháp quản lý thị trường vàng, yêu cầu không để giá vàng trong nước chênh cao so với thế giới. Ở góc độ quản lý, điều này sẽ có tác động rất lớn đến tâm lý của người dân.
Từ góc độ đầu tư, chúng tôi vẫn luôn nhất quán quan điểm rằng thị trường vàng không phải là thị trường có thể đầu cơ, vì thanh khoản của thị trường nhất là vàng miếng SJC không dành cho những người mới. Vàng chỉ là tài sản phòng thủ mà nhà đầu tư nên nắm giữ khoảng 5 - 10% trong danh mục, nhằm bảo vệ khỏi các biến cố “thiên nga đen”, hoặc các biến cố liên quan đến địa chính trị ở nước ngoài. Nếu chúng ta coi đây là một tài sản để lướt sóng thì cần phải hết sức cẩn trọng.
Đối với thông tin gần đây về việc NHNN sửa đổi bổ sung Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng, chúng ta có thể nhìn lại thời điểm trước khi ban hành Nghị định này. Khi đó, các ngân hàng Việt Nam gặp nhiều vấn đề về trạng thái vàng, vì họ tổ chức cho vay hoặc vay, sau đó bán vàng lấy VND để kinh doanh.
Cần làm rõ vàng là một loại tiền hay chỉ là một loại hàng hóa? Nếu coi vàng là tiền sẽ dẫn đến việc toàn bộ các giao dịch ở Việt Nam chuyển sang dùng vàng trong trường hợp mọi người không tin tưởng vào tiền đồng; như vậy toàn bộ nguồn lực sẽ được đưa hết vào vàng gây nguy hiểm cho nền kinh tế.
Năm 2011, có một vấn đề rất lớn là giá vàng thời điểm đó tăng đột ngột khiến các ngân hàng ở Việt Nam bị trạng thái âm vàng. Vì vậy, Nghị định 24 năm 2012 ra đời nhằm mục đích quy định toàn bộ trạng thái vàng cần được kiểm soát và thông qua việc đấu thầu vàng để trả lại trạng thái vàng cho hệ thống ngân hàng.
Nghị định 24 áp dụng đã giải quyết được câu chuyện vàng hóa nền kinh tế rất nhiều, giúp ổn định thị trường, đặc biệt là thị trường tiền tệ - ngân hàng của Việt Nam. Tôi cho rằng, khi xem xét sửa đổi Nghị định 24 cần phải hết sức cân nhắc, nếu tiếp tục coi vàng là một loại hàng hóa, tài sản đầu tư thì cần phải xem xét liệu chúng ta sẽ quản lý điều này như thế nào.
>>Với đà tăng trưởng, giá vàng sẽ biến động thế nào trong năm 2024?
Thực tế, giá trị của vàng không chỉ là tài sản tài chính, mà còn được sử dụng rất nhiều trong các lĩnh vực sản xuất nên giá trị của nó có sự tăng trưởng là điều đương nhiên.
Bên cạnh yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vừa qua, Phó Thống đốc NHNN cũng cho biết NHNN không chấp nhận chênh lệch giá quá lớn giữa giá vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng khác. Khi nhu cầu của người dân tập trung vào một loại vàng sẽ dẫn đến hiện tượng đầu cơ, hoặc mua với khối lượng lớn để chờ tăng giá gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.
Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ việc xem xét lại Nghị định 24 nhưng phải kiểm soát được tình trạng vàng hóa của nền kinh tế, nghĩa là nếu quay lại câu chuyện vàng cũng là tiền, chúng ta có thể gửi vàng vào ngân hàng có lãi, hoặc có thể vay vàng ra để đi mua tài sản như trước đây sẽ là vấn đề rất lớn, từ đó giá trị của VND sẽ không được tốt như hiện tại. Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan và Chính phủ đang tích cực xử lý.
Mới đây, NHNN cũng đã ban hành Quyết định 02/QĐ-NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1623 ngày 23/8/2012 về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng. Trong đó, có một số điểm là tập trung vào việc tổ chức sản xuất như gửi danh sách cán bộ giám sát việc gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của NHNN và quản lý khuôn.
Để có thể sản xuất vàng miếng sẽ phải dùng vàng cốm nấu lên và đúc thành vàng miếng, nên chỉ cần kiểm soát khuôn và khuôn đó đang ở SJC được NHNN kiểm soát. Tựu trung lại, NHNN đang làm cả hai việc gồm: Một là chuẩn bị những biện pháp cần thiết để tăng lượng cung vàng miếng SJC ra ngoài thị trường; Hai là kiểm soát nhu cầu.
Các cơ quan quản lý không cấm người dân tích trữ, sở hữu vàng nhưng họ sẽ kiểm soát việc đầu cơ để tránh tình trạng trục lợi khi giá vàng tăng, vì với một quốc gia như Việt Nam, nguồn ngoại hối cũng cần được sử dụng một cách hợp lý, không để xảy ra việc có bao nhiêu USD sẽ đi nhập vàng mà không dành cho sản xuất kinh doanh.
Về giải pháp bền vững cho thị trường vàng, theo tôi chúng ta sẽ chưa thể xử lý được vấn đề sâu xa nhất của thị trường nếu vẫn coi đây là một loại tiền đặc biệt; và càng kiểm soát thì càng dẫn đến nhu cầu của người dân tăng lên khi có các biến động của kinh tế thế giới, hoặc lãi suất ở thị trường Việt Nam thấp dẫn đến việc người dân đầu cơ vào tài sản này.
Chúng ta có thể tham khảo mô hình sàn giao dịch nếu coi vàng là một loại hàng hóa, không phải là loại sàn giao dịch CFD - mua bán chênh lệch giá vàng mà không diễn ra việc giao nhận vàng thực tế. Nếu chúng ta có đủ khả năng để thành lập sàn giao dịch vàng vật chất quốc gia thì đó mới là giải pháp. Khi nhu cầu của người dân về vàng vật chất tăng cao, chúng ta có thể nhập khẩu để bán cho người dân và có những trường hợp giá vàng Việt Nam cao hơn thế giới, thì có thể xuất khẩu vàng thông qua sàn này giúp mọi thứ được liên thông.
Thực tế, hoạt động xuất nhập khẩu vàng ở Việt Nam vẫn diễn ra thường xuyên, thông qua cơ chế của Nghị định 24 quy định rất rõ ràng. Còn ở góc nhìn của tôi, nếu chúng ta có sửa hay quy định một cách mang tính hình thức thì vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề cụ thể của thị trường vàng.
Có thể bạn quan tâm
11:20, 07/01/2024
02:00, 07/01/2024
03:00, 05/01/2024
04:20, 31/12/2023