Cuộc họp thứ 3 của Ủy ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế đang diễn ra, WHO sẽ đưa ra quyết định có ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ toàn cầu (PHEIC) đối với dịch viêm phổi corona hay không.
Theo công bố trên trang web chính thức của WHO, cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế (IHR) sẽ khai mạc lúc 13h30 ngày 30/1 theo giờ Geveva, tức 19h30 ngày 30/1 theo giờ Việt Nam.
Được biết, 16 chuyên gia độc lập trong ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ tư vấn cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về quyết định này và đưa ra các khuyến nghị để quản lý ổ dịch.
Theo Reuters, đây là cuộc họp thứ ba trong vòng chỉ một tuần của ủy ban khẩn cấp WHO. Theo đó, WHO sẽ xem xét có ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ toàn cầu (PHEIC) đối với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra hay không.
Trong 2 lần họp vào tuần trước, WHO đã từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. WHO cho rằng còn thiếu bằng chứng lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, kể từ đó tới nay, đã có 6 trường hợp không đến Trung Quốc bị mắc bệnh.
Tính đến 17 giờ 30 ngày 30/1, số người mắc dịch bệnh viêm phổi chủng virus corona (2019_nCoV) trên thế giới là 7.822 trường hợp, 170 tử vong và hơn 12.000 ca nghi nhiễm virus corona ở Trung Quốc.
Theo đó, dịch bệnh đã lan ra 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc Trung Quốc đang phải đối mặt dịch bệnh quy mô và mức độ nguy hiểm lớn hơn SARS. Trong đó, số ca nhiễm virus viêm phổi tại Trung Quốc đại lục đã vượt số người mắc hội chứng hô hấp cấp tính năm 2002-2003.
Trên thế giới, ngoài Trung Quốc, dịch bệnh đã xuất hiện ở 17 quốc gia, trong đó có Thái Lan, Singapore, Malaysia, Việt Nam.
Trước tình hình này, nhiều chuyên gia trên thế giới kêu gọi WHO này xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.
Hitoshi Oshitani, cựu cố vấn giám sát và ứng phó bệnh truyền nhiễm khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, thành viên khoa Virus (Đại học Tohoku Nhật Bản), cho rằng một nguy cơ đáng báo động có thể xảy ra.
“WHO nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC)”, ông Hitoshi nêu quan điểm. Trước đó, WHO chưa tuyên bố vì PHEIC dựa trên nguy cơ lây lan quốc tế.
Chuyên gia về virus của Nhật Bản nhấn mạnh mối lo về sự lây lan nhanh chóng của corona trên toàn thế giới trong tuần qua. Việc kiểm soát virus mới khó khăn hơn so với SARS, bởi bệnh nhân có khả năng truyền bệnh ngay cả khi chưa có triệu chứng. Điều đó đồng nghĩa các biện pháp đang thực hiện có thể không ngăn được virus lây lan.
Đồng quan điểm, Giám đốc y tế của Úc, ông Brendan Murphy nói với ABC News Breakfast rằng, ông mong muốn WHO tuyên bố virus này là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu để tất cả mọi người phải nâng cao cảnh giác.
Tất cả các trường hợp mắc SARS, cúm ở người, đậu mùa và nhiều bệnh lây truyền khác luôn được coi là PHEIC - tuy nhiên, vì coronavirus Vũ Hán là một coronavirus mới nên cần xem xét cẩn trọng.
Trong khi đó, một số nguồn tin cho thấy, Ủy ban khẩn cấp chia ra 2 luồng ý kiến ngang ngửa cho quyết định này. Trong đó, một phần quan trọng của các tiêu chí dường như là mức độ mà virus đang lan ra bên ngoài Trung Quốc.
Các trường hợp lây truyền từ người sang người gần đây trên khắp thế giới có thể khiến ủy ban xem xét lại việc có nên tuyên bố đây là dịch bệnh khẩn cấp hay không.
Có thể bạn quan tâm
22:33, 30/01/2020
16:22, 30/01/2020
14:30, 30/01/2020
01:50, 30/01/2020
06:15, 29/01/2020
04:15, 29/01/2020
Trước đó, hôm 29/1, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ủy ban khẩn cấp gồm 16 chuyên gia y tế hàng đầu thế giới sẽ tiếp tục nhóm họp để quyết định có nên đưa ra cảnh báo khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh mới. Cùng ngày, các quan chức WHO cũng công nhận tốc độ lây lan của virus corona mới ở trong và ngoài Trung Quốc "là vấn đề rất đáng lo ngại".
PHEIC được WHO định nghĩa là "một sự kiện bất thường" "tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan của bệnh quốc tế" và có khả năng cần phải có "phản ứng quốc tế phối hợp".
Nếu tổ chức này tuyên bố dịch bệnh khẩn cấp, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sẽ được phép đưa ra khuyến nghị về việc kiểm soát sự lây lan của virus corona trên toàn cầu.
Điều này cũng có thể bao gồm các khuyến nghị liên quan đến du lịch, ví dụ như việc cấm các hoạt động giao thương, du lịch ở đất liền, sân bay quốc tế... Bởi lẽ, trên lý thuyết, điều này cũng có thể dẫn đến sự gia tăng nguy cơ lây nhiễm coronavirus từ cộng đồng quốc tế.
PHEIC là một khái niệm tương đối mới và nhãn hiệu này chỉ được áp dụng cho 5 tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng mang ý nghĩa quốc tế từ trước đến nay. Cụ thể là dịch SARS 2002-2003 đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người và ghi nhận hơn 8.000 trường hợp nhiễm bệnh.
Sau đó là dịch cúm lợn năm 2009, hay còn gọi là virus cúm A H1N1. Tiếp đó là 2 tuyên bố vào năm 2014, một tuyên bố liên quan đến dịch Ebola ở Tây Phi và một tuyên bố khác liên quan đến bệnh bại liệt ở Pakistan, Cameroon, Syria...
Virus Zika ở Brazil được tuyên bố là tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế vào năm 2016, trong khi dịch Ebola được đề cập trước đó tại Cộng hòa Dân chủ Congo được tuyên bố là một trường hợp khẩn cấp công cộng toàn cầu vào tháng 7 năm ngoái.