Dịch vụ y tế cao cấp: Chỗ nào cho dân nghèo?

Diendandoanhnghiep.vn Đừng tạo ra khoảng cách ở nơi mà con người dễ thấy bị tổn thương nhất, đó là cái tình trong muôn vàn lý lẽ khô khan!

Bạn tôi, một gia đình trẻ nhưng hiếm muộn đường con cái, gần 10 năm chạy chữa đủ thầy đủ thuốc mới kiếm được mụn con quý hơn vàng, khoảng thời gian đó nhiều người đồng trang lứa đã ổn định sự nghiệp, nhà cửa con cái đề huề.

Cũng vì “chút con” mà cả hai khánh kiệt, dở dang trăm bề, ngày lâm bồn, hai vợ chồng nó rút hết sạch khoản tiền cuối cùng dắt díu nhau vào một bệnh viện Quốc tế Trung ương cách chỗ ở hàng trăm cây số.

 Chi phí 15 triệu đồng cho một ca sinh mổ, phòng ốc không khác gì khách sạn, được chăm sóc tận răng, xứng với cái giá ngất ngưỡng, nhưng trên hết là cảm giác bớt “lạnh sống lưng” như rất nhiều sự cố sản phụ và em bé… xót xa trên báo chí!

Cách đó chỉ một bờ rào là bệnh viên tuyến Trung ương công lập, một khung cảnh quen thuộc lâu nay: Người chen chúc, ngột ngạt, những con số thứ tự cứ tăng lên đến hàng ngàn, mỏi mòn chờ đợi mấy giờ đồng hồ để được kêu tên nhưng khám chỉ vài phút…

Trái ngược với bệnh viện quốc tế kia, từ cổng vào mấy chục mét là quầy tiếp tân, nhân viên đon đả tươi cười, dĩ nhiên phải móc tiền đóng ngay trước chân cầu thang để được vào thiên đường chăm sóc.

Các tầng trên chỗ nào cũng có quầy hướng dẫn, đồng nghĩa với “hóa đơn” và “tiền nộp”, bệnh nhân được khám rất lâu, người chờ có ghế nệm, điều hòa, wifi, nước uống, cảm giác thật dễ chịu.

Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa hai bệnh viện chỉ cách nhau một bờ tường mỏng? Tiền hay cung cách phục vụ?

Không ai nghĩ rằng khung cảnh la liệt trên là người giàu có trong xã hội (Ảnh: tuoitre)

Không ai nghĩ rằng khung cảnh la liệt trên là người giàu có trong xã hội (Ảnh: Nguoiduatin)

Chắc chắn là sức mạnh của đồng tiền mới mua được loại dịch vụ cao hơn thông thường, nhưng nói thế thì công bằng nằm ở đâu? Không ai ấu trĩ đến mức đi đòi “công bằng” cho cả xã hội trong bối cảnh khả năng, thu nhập, xuất phát điểm... của mỗi một người là không giống nhau.

Rằng, người thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng hoàn toàn khác kẻ năm bảy triệu cho cả gia đình, rằng có tiền mua tiên cũng được. Song, chúng ta đang sống trong một xã hội được trị vì bởi luật pháp, chính sách. Nhà chức trách có nhiệm vụ điều chỉnh để nguồn lực xã hội đến nhiều hơn với tầng lớp người nghèo.

Bộ Y tế đang dự định xây dựng loài hình khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công lập, giá giường bệnh 4 triệu đồng/ngày - bằng cả tháng lương của người thu nhập trung bình hiện nay ở Việt Nam.

Tôi thấy hợp lý khi Bộ Y tế chịu nhìn nhận lĩnh vực khám chữa bệnh lúc này như một loại hình kinh doanh dịch vụ, người bệnh bỏ tiền để được chăm sóc, dù ít hay nhiều thì người bệnh phải được đối xử như “thượng đế”, chính họ là nguồn thu để bệnh viện duy trì hoạt động.

Nếu làm được điều đó, sẽ bớt tắc trách, bớt trịch thượng, coi bệnh nhân như kẻ cầu xin thê thảm vốn đã xảy ra rất nhiều từ trước tới nay.

Tuy nhiên, trong khi ngành y tế hướng tới “phân khúc” cao cấp trong khám chữa bệnh thì vẫn còn đó hàng chục triệu người nghèo gắn tính mạng, sức khỏe của mình vào tờ giấy bảo hiểm y tế mỏng manh.

Vẫn còn đó tình trạng “bốn người một giường”, “bệnh viện quá tải”, nhiều trường hợp chết vì không đủ tiền đóng cho bệnh viện và tôi chợt nhớ lại mấy sự cố xót lòng ở ngoài Bắc - người chết cuốn chiếu chở về bằng xe máy, rất nhiều con bệnh hiểm nghèo nằm chờ chết, mong chờ tình thương từ xã hội…

Trong khi đó, một lý lẽ giản đơn ai cũng biết, bệnh viện công lập được xây dựng bằng tiền ngân sách, đội ngũ y bác sỹ sống nhờ vào tiền lương trích ra từ thuế do người dân đóng. Vậy cớ sao có sự phân biệt đến mức “công dân hạng A, B, C…”.

Doanh nghiệp muốn đầu tư, nhà nước sẵn sàng hỗ trợ họ như loại hình bệnh viên tư nhân như lâu nay. Còn việc lấy bệnh viện công làm nơi khám chữa bệnh theo yêu cầu là sai về mặt nguyên tắc, cứa sâu vào nỗi đau của lớp người yếu thế trong xã hội.

Công bằng xã hội hóa ra đều lấy hệ quy chiếu ở đồng tiền (Hình minh họa)

Công bằng xã hội hóa ra đều lấy hệ quy chiếu ở đồng tiền? (Hình minh họa)

“Khám chữa bệnh theo yêu cầu” chẳng qua là uyển ngữ để che lấp đi sự thật đằng sau đó, đó là người nhiều tiền và kẻ ít tiền, thậm chí không có tiền. Chẳng nhẽ người nghèo không có yêu cầu duy trì sinh mạng cao như người giàu? Chẳng qua là vì họ không có tiền mà thôi.

Hóa ra, bệnh viện công lập thừa sức chăm sóc bệnh nhân không thua gì khối tư nhân, chẳng qua là vì tiền ít, tiền nhiều! Từ bao giờ công bằng xã hội bị đặt trong hệ quy chiếu của đồng tiền? 

Tôi thiết nghĩ, nhà nước mà trực tiếp là Bộ Y tế phải có trách nhiệm giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện như hiện nay, phải minh định rõ ràng để mọi công dân có quyền hưởng dịch vụ khám chữa bệnh như nhau khi bước vào nơi mà mọi thứ đều thấm mồ hôi người lao động.

Sâu thẳm trong mỗi con người, có khi nào nghĩ rằng lúc nào đó - không may mình khánh kiệt và bước vào bệnh viện không một xu dính túi, rồi sẽ chết ngay ở ranh giới giữa "khám chữa bênh thông thường" và "khám chữa bệnh theo yêu cầu"!

Đừng tạo ra khoảng cách ở nơi mà con người dễ thấy bị tổn thương nhất, đó là cái tình trong muôn vàn lý lẽ khô khan!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Dịch vụ y tế cao cấp: Chỗ nào cho dân nghèo? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714019627 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714019627 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10