Năng động, sáng tạo phát huy tinh thần Đồng khởi, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, sau 10 năm thành lập, diện mạo huyện Mỏ Cày Nam đã có những thay đổi đáng kể.
Trong 10 năm, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14 triệu đồng (năm 2009) lên 38,4 triệu đồng (năm 2018).
Kinh tế khởi sắc
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện tiếp tục đạt nhiều kết quả, với tổng giá trị sản xuất năm 2018 trên 2.238 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần so với thời gian đầu tách huyện. Tỷ trọng thương mại dịch vụ tăng từ 31,2% năm 2009 lên 39,7% năm 2018. 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ước thực hiện 1.310 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 13% so với cùng kỳ.
Huyện có 1 cụm công nghiệp, 2 làng nghề, 35 doanh nghiệp và gần 2 ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh, hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hoạt động ổn định, qua đó, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Các mặt hàng thế mạnh của huyện được duy trì và phát triển như: chỉ xơ dừa, than thiêu kết, hạt điều… Các làng nghề như Dệt chiếu Thành Thới B, chỉ xơ dừa An Thạnh tiếp tục phát triển tốt, trở thành các cơ sở vệ tinh, gia công các sản phẩm cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Mỏ Cày Nam là huyện có diện tích dừa nhiều đứng thứ hai của tỉnh và tổng số đàn heo dẫn đầu tỉnh. Ông Phan Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để ổn định giá cả các mặt hàng nông sản, huyện xác định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp là đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, chăn nuôi heo quy mô trang trại gắn với bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
17:14, 01/11/2019
17:09, 01/11/2019
17:05, 01/11/2019
16:54, 01/11/2019
Thay đổi diện mạo
Diện mạo huyện Mỏ Cày Nam đã thay đổi đáng kể với nhiều công trình giao thông được đầu tư xây dựng như: cầu Ông Bồng, cầu Ranh Tổng, cầu Mương Điều, cầu Hương Mỹ, cầu 17/1 cùng nhiều công trình giao thông nông thôn, các công trình ở lĩnh vực y tế, giáo dục, chiếu sáng công cộng, nhà ở…
Bước vào một thời kỳ mới, huyện Mỏ Cày Nam “tiếp tục tăng tốc - tạo bứt phá” dựa trên những tiềm năng, thế mạnh như: sản xuất chỉ xơ dừa, kẹo dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; hoàn thiện và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thông qua việc phát huy thương hiệu độc quyền “con heo Mỏ Cày Nam” đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận…
Trong phát triển du lịch, huyện đã ký kết Bản ghi nhớ phát triển du lịch “Cù Lao Minh, một hành trình 4 điểm đến” giữa 4 huyện; Đang hoàn chỉnh đề án phát triển du lịch Cồn Thành Long, xã Thành Thới A và bước đầu phối hợp với các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành khảo sát để mời gọi đầu tư và hình thành tour, tuyến du lịch của huyện…
Hiện nay, huyện Mỏ Cày Nam đang tập trung giải phóng mặt bằng để thi công các công trình như trung tâm chính trị hành chính huyện; Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 57 đoạn từ Bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày; Cụm Công nghiệp Thành Thới B… Những công trình này khi đưa vào sử dụng sẽ mở ra cơ hội thuận lợi cho Mỏ Cày Nam trong liên kết vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh, huyện sẽ trở thành điểm “dừng chân” với nhiều cơ hội thu hút đầu tư kết hợp phát huy nội lực, góp phần phát triển kinh tế nhanh, bền vững.