Cũng giống “người anh em” cùng mẹ Tập đoàn Vinachem là DAP Đình Vũ (Hải Phòng), với Nhà máy DAP Lào Cai còn tệ hại hơn.
Không chỉ gặp khó từ nguyên nhân khách quan là thị trường phân bón dư cung, cạnh tranh với hàng nhập khẩu, mà suất đầu tư cao, sản phẩm hạn chế về chất lượng… nên càng sản xuất, hiệu quả kinh doanh càng kém.
Thanh tra Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước liên tiếp chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý đầu tư xây dựng của Công ty cổ phần DAP số 2 và Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP Lào Cai. Tổng mức đầu tư Dự án DAP Lào Cai lên tới gần 5.200 tỷ đồng, tăng khá lớn so với mức phê duyệt ban đầu (hơn 4.400 tỷ đồng).
Đáng chú ý, từ tháng 7/2015, khi Nhà máy đi vào sản xuất thương mại đến thời điểm 30/6/2016, sản lượng sản xuất không đạt mục tiêu của Dự án. Cụ thể, từ 1/7/2015 - 31/12/2015, công suất trung bình chạy máy chỉ đạt 65,2%, sản lượng 107.571 tấn DAP; từ 1/1/2016 - 30/6/2016, công suất trung bình chạy máy giảm xuống còn 43,5%, sản lượng 71.758 tấn DAP. Năm 2015, Công ty lỗ hơn 100 tỷ đồng, năm 2016 là trên 800 tỷ đồng.
Với số vốn đầu tư vào DAP Lào Cai gần 5.200 tỷ đồng, đưa vào hoạt động từ cuối tháng 12/2014, công ty cho sản xuất mẻ ra lò đầu tiên, đến tháng 6/2015, sản phẩm của nhà máy mới được nghiệm thu. Trong thời gian đó thị trường phân bón trong nước đang gặp nhiều khó khăn, giá bán từ 9000đ/kg giảm xuống 7000đ/kg…Năm 2015, nhà máy lỗ hơn 100 tỷ đồng, năm 2016 lỗ hơn 800 tỷ đồng.
Theo Vinachem, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trên là do sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu làm diện tích gieo trồng bị thu hẹp hơn 100.000 ha. Phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc và một số các nước ASEAN có giá thấp hơn nhiều so với giá phân bó sản xuất trong nước. Trong khi đó, hoạt động sản xuất phân bón trong nước của Tập đoàn càng gặp khó khăn, khi các dự án đều mới hoàn thành và đưa vào hoạt động nên chi phí khấu khao và trả lãi vay ngân hàng rất lớn…