Dự án nhà máy Ethanol Bình Phước nằm trong 13 dự án nghìn tỷ gây thua lỗ của Bộ Công Thương, top 5 dự án đắp chiếu của PVN đã dừng hoạt động từ năm 2015 do không tìm được đầu ra sản phẩm.
Trong “cơn say” nhiên liệu sinh học cuối những năm 2000, nhiều nhà băng, doanh nghiệp đổ tiền vào lĩnh vực này, để rồi phải "ngậm đắng" tới tận bây giờ. Năm 2009, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Tập đoàn ITOCHU Nhật Bản góp vốn thành lập Công ty TNHH Nhiên liệu Sinh học Phương Đông (OBF) theo tỉ lệ tương ứng 51% - 49%, nhằm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Năm 2010, mặc dù chỉ mới hoàn thành xong nghiên cứu khả khi, Công ty CP Licogi 16 (LCG) đã “nhanh chân” mua lại 22% cổ phần OBF từ PVOil.
Không lâu sau đó, Nhà máy được hoàn thành, tiến hành chạy thử vào tháng 2/2012. 10 tháng sau, OBF nhận bàn giao toàn bộ Nhà máy, tuy nhiên đồng thời phải ngừng vận hành do không có thị trường tiêu thụ. Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Phương Đông cũng đóng cửa im lìm từ đó cho tới nay.
Tháng 9/2014, Tập đoàn ITOCHU của Nhật Bản đã “tháo chạy” thành công khi sang nhượng toàn bộ phần vốn góp (49%) trong OBF cho Công ty Toyo Thai New Energy (TTNE), một thành viên của Công ty TNHH Public Toyo Thai (TTCL) sau thời gian rao bán hơn một năm.
Chi tiết thỏa thuận không được công bố, tuy nhiên ITOCHU rất khó để bán được giá hời trong thương vụ trên. Trong khi đó, TTNE dường như cũng không biết rằng họ sắp sửa bước chân vào “vũng lầy” không lối thoát.
Báo cáo tài chính kiểm toán công ty mẹ TTCL 2014 cho thấy mới sau 3 tháng nhận chuyển nhượng 49% cổ phần OBF, công ty Thái Lan đã phải gánh chịu khoản lỗ 97,5 triệu Baht, tương đương khoảng hơn 60 tỷ VNĐ. Con số này tăng mạnh gấp 4 lần lên 360 triệu Baht (230 tỷ đồng) trong năm 2015.
Về phần PVOil, mặc dù không có số liệu cụ thể, tuy nhiên nhìn sang cảnh “ngán ngẩm” của các cổ đông khác, có thể thấy 29% cổ phần PVOil nắm giữ trong OBF giờ đây có khi chỉ còn trên…giấy.
Bình luận về Dự án nhà máy Ethanol Bình Phước lọt vào top 5 dự án đắp chiếu của PVN, PGS.TS Nguyễn Hồng Nga, Phó trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) nêu ra 3 nguyên nhân chính cơ bản.
Thứ nhất, dự án càng lớn thì “hoa hồng” càng cao. Hơn nữa dự án này là một phần của đề án thay thế xăng sinh học cho xăng truyền thống của chính phủ.
Thứ hai, chúng ta chưa có kinh nghiệm xây dựng và vận hành các loại nhà máy xăng sinh học. Đúng ra, nên đầu tư 1 nhà máy, sau đó xem xét tính hiệu quả và các bài học cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư tiếp hay dừng lại nếu không đáp ứng đươc các yêu cầu về kỹ thuật và kinh tế.
Thứ ba, sự tắc trách của các bên có trách nhiệm, nhất là các bên lập và thẩm định các dự án nêu trên. Cái này kinh tế học gọi là mối quan hệ Ủy quyền – tác nghiệp, hệ quả của nó là toàn các dự án xấu, những quả chanh đắng ngắt và chua chát.