Kiến nghị kéo dài giá FIT cho năng lượng tái tạo

THY HẰNG 08/12/2020 11:00

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam mới đây đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Công thương, kiến nghị kéo dài giá FIT hiện tại của điện gió và điện mặt trời "thêm ít năm nữa".

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc BCG Energy cho biết, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg đã điều chỉnh với các dự án điện gió vận hành trước ngày 31/10/2020 với mức giá là 9,8 UScents/kWh cho các dự án điện gió ngoài khơi và 8,5 UScents/kWh cho các dự án điện gió trên bờ.

D

Nhiều dự án điện gió đứng trước nguy cơ "vỡ" tiến độ để hưởng giá ưu đãi.

Quyết định 39 đã có tác động thúc đẩy rất lớn đến thị trường điện gió của Việt Nam. Cho đến tháng 9/2020, có gần 11.600MW điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch, có khoảng 65 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN và có 12 dự án mới với tổng công suất 470MW đã đưa vào vận hành.

“Mặc dù Quyết định 39 ra đời năm 2018, nhưng hơn 2 năm là thời gian quá ngắn đối với chu trình phát triển của điện gió, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đo gió, đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, thời gian thi công kéo dài do các dự án điện gió phần lớn thực hiện ngoài khơi và ven biển, nơi bị ảnh hưởng của yếu tố thời tiết có tác động không nhỏ đến việc thi công. Bởi vậy, cần gia hạn giá FIT với năng lượng tái tạo”, ông Nguyễn Minh Tuấn kiến nghị.

Do đó, trong văn bản gửi Chính phủ và Bộ Công thương, Hiệp hội Năng lượng cho biết, trong những năm qua các doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời và điện gió phát triển rất mạnh, tính đến nay đã có gần 8.000MW công suất đạt, đóng góp khoảng 5 tỷ Wh/năm cho sản lượng điện quốc gia.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng mặt trời, điện gió, điện mặt trời. Hiện nay lĩnh vực này đang vướng mắc khó khăn về cơ chế giá; trong lúc Chính phủ chưa ban hành và chưa thực hiện được rộng rãi quy chế đấu thầu và tổ chức đấu thầu điện mặt trời, điện gió trên toàn quốc. 

Do đó, Hiệp hội Năng lượng đề nghị Thủ tướng Chính phủ "cho phép kéo dài giá FIT hiện tại của điện gió và điện mặt trời thêm ít năm nữa khi nào Chính phủ, Bộ Công Thương thực hiện được việc đấu thầu rộng rãi, lúc đó mới thay đổi giá điện gió, điện mặt trời".

Cũng bởi những lý do nêu trên, vừa qua, Bộ Công Thương cũng đề xuất Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện cơ chế áp dụng giá FIT ưu đãi tới hết năm 2023. Sau thời điểm này mới áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh. Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại chưa đưa ra các mức giá cụ thể trong giai đoạn gia hạn sau tháng 10/2021.

Đáng lưu ý, Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cũng khuyến nghị Việt Nam, nếu mức điều chỉnh giá FIT được giảm nhiều, có thể làm chệch hướng tăng trưởng điện gió dài hạn ở Việt Nam.

GWEC cho biết, việc giảm nhẹ giá FIT sẽ đảm bảo đủ thời gian để các dự án đi vào hoạt động ổn định, nhưng nếu giảm giá mạnh mà không tính đến các thách thức liên quan, thị trường điện gió Việt Nam có thể phải đối mặt với chu kỳ "bùng nổ-phá sản" như các nước châu Âu, châu Mỹ trước đây.

Hội đồng năng lượng gió toàn cầu lý giải, các nhà đầu tư vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng do Covid-19, lại thêm những thách thức chung trong giai đoạn đầu phát triển dự án. Khi giá mua bán điện gió giảm mạnh, các nhà đầu tư sẽ rất khó khăn để cân đối tài chính. Từ đó dẫn đến giai đoạn "phá sản" có thể làm giảm tới 80% việc lắp đặt gió mới vào năm 2023, và tiếp tục giảm 25% mỗi năm sau đó.

Trên cơ sở đó, GWEC đề xuất gia hạn 6 tháng đối với mức giá FIT hiện tại do sự chậm trễ liên quan đến quy hoạch và gián đoạn từ Covid-19. Đồng thời, giảm nhẹ mức giá FIT cho các dự án gió trên bờ và dự án trên biển được đưa vào vận hành từ tháng 5/2022 trở đi.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng đề xuất nghiên cứu mức giá FIT và sớm gia hạn thời gian COD cho các dự án điện gió. Cần có những chính sách riêng, ưu tiên cho phát triển điện gió ngoài khơi và điện mặt trời mái nhà.

Bởi điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, trong cơ cấu nguồn tại Quy hoạch điện VIII nên tách riêng điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi để có tầm nhìn chính sách dài hạn.

Thậm chí, đánh giá cao tiềm năng của điện gió ngoài khơi, chuyên gia còn đề xuất cần có Đề án Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng gió ngoài khơi quốc gia để chuẩn hóa bản đồ biển, ranh giới và diện tích biển, đo đạc biển. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên năng lượng gió, các khu bảo tồn biển, luồng hàng hải, phương pháp xác định tiềm năng điện gió ngoài khơi để có được dữ liệu tốt nhất, dùng cho Quy hoạch không gian biển, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, Quy hoạch năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện lực quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

  • GWEC cảnh báo chu kỳ “bùng nổ - phá sản” của điện gió

    04:30, 06/12/2020

  • Nhà đầu tư Dự án Nhà máy điện gió tại Gia Lai: Chưa rõ năng lực

    20:57, 05/10/2020

  • Nhà đầu tư nước ngoài băn khoăn giá FIT cho điện gió

    05:00, 28/09/2020

  • Lộ trình nào cho phát triển điện gió ngoài khơi?

    05:00, 24/09/2020

  • Các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu từ sau 2023?

    03:30, 23/09/2020

  • Cụm trang trại điện gió trên bờ lớn nhất Việt Nam

    11:48, 22/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiến nghị kéo dài giá FIT cho năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO