Trong bối cảnh dòng vốn FDI ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ thì cũng là lúc đặt ra câu hỏi, năng lực hấp thụ nguồn vốn đó như thế nào để tốt cho nền kinh tế?
Đó là trăn trở của chuyên gia kinh tế, TS Trần Toàn Thắng khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp trước hiện tượng dòng vốn FDI "chảy" vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ.
TS Trần Toàn Thắng cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam hầu như không tận dụng được nhiều tác động lan toả về công nghệ, thay vào đó, Việt Nam chỉ mới tận dụng được một số lợi ích về lao động và các doanh nghiệp nội thì có cơ hội khai thác các thị trường mới để xuất khẩu. Vì vậy phần lớn những tác động tích cực mà FDI mang lại, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được do những điểm nghẽn liên quan đến chất lượng nguồn lao động và mạng lưới doanh nghiệp cung cấp ngành phụ trợ.
Trước tiên liên quan đến điểm nghẽn về nguồn lao động. Theo quan điểm của TS Trần Toàn Thắng, hiện nay đã xuất hiện xu hướng cạnh tranh về sử dụng lao động ở các khu công nghiệp lớn, các khu kinh tế động lực, và cho thấy trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, các doanh nghiệp nội sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
"Ít nhất là câu chuyện cạnh tranh về lương hoặc là cạnh tranh về lao động có kỹ năng. Điều này có thể dẫn tới việc ảnh hưởng về chất lượng và số lượng nguồn lao động trong nước", TS Trần Toàn Thắng khẳng định.
Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục thu hút FDI, thì câu chuyện cạnh tranh này sẽ ngày càng khốc liệt thì đối tượng bị chịu ảnh hưởng tiêu cực đó là doanh nghiệp trong nước.
Điểm nghẽn thứ hai, TS Trần Toàn Thắng chỉ ra đó là mạng lưới cung cấp đầu vào linh kiện, cho các doanh nghiệp lắp ráp FDI còn thiếu và yếu.
"Rõ ràng, mạng lưới các nhà cung cấp tại Việt Nam hiện nay vẫn là điểm yếu, và chúng ta đang cố gắng cải thiện chính sách về công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, tôi cho rằng cũng chưa có tín hiệu tốt để có thể khẳng định rằng Việt Nam đã thành công. Vì vậy, đây vẫn được xem là một yếu tố có sức nặng lớn trước mỗi quyết định của nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam", TS Trần Toàn Thắng cho biết thêm.
TS Trần Toàn Thắng lý giải, bởi, nếu hệ thống cung cấp phụ trợ kém thì các doanh nghiệp FDI chỉ có thể tận dụng được lợi ích về chi phí giá rẻ như lương cho nhân công. Tuy nhiên, tốc độ tăng của lương hiện nay cũng đang tăng nhanh so với các nước xung quanh. Chính vì vậy, lợi thế cạnh tranh thu hút FDI này của Việt Nam cũng đang giảm xuống.
Có thể bạn quan tâm
05:31, 27/05/2019
07:42, 12/04/2017
Chia sẻ về một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, TS Trần Toàn Thắng đã thẳng thắn chỉ ra thực trạng rằng, mặc dù Việ Nam vẫn đang đề cao hệ thống đào tạo dạy nghề, tuy nhiên theo những con số thống kê thì tỷ lệ người lao động qua dạy nghề cũng không tăng nhanh.
"Vì vậy theo kinh nghiệm của bản thân và kinh nghiệm của các doanh nghiệp lớn thì câu chuyện đào tạo tại doanh nghiệp là một giải pháp, khía cạnh mà Việt Nam nền quan tâm", TS Trần Toàn Thắng khẳng định.
Minh chứng cho điều này có thể kể đến như Samsung chẳng hạn, họ vẫn tuyển lao động phổ thông bình thường, tuy nhiên chỉ sau 3 tháng thì những người lao động này có thể làm được việc trong doanh nghiệp của họ.
Vì vậy, TS Trần Toàn Thắng đề xuất: "cần phải khuyến khích đào tạo tại các doanh nghiệp là một trong những nội dung cần thực hiện quyết liệt hơn".
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, đáng chú ý, dòng vốn từ Trung Quốc không bao gồm Đài Loan, HongKong cũng tăng, đạt 2 tỷ USD ở tất cả hợp phần mà riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ 2018. |