Mặt bằng lãi suất ổn định; 3 năm liên tiếp dẫn đầu về cải cách thủ tục hành chính; tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đạt mục tiêu quan trọng... là những điểm sáng của bức tranh tiền tệ đầu năm 2018.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ.
Giảm lãi suất, ổn tỷ giá, vốn chảy đúng hướng
Trong thời gian qua, việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành CSTT của NHNN
Ngay từ đầu năm, NHNN đã chỉ đạo hệ thống TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay. Về phía các TCTD, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên về mức tối đa 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung dài hạn. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định.
Trên thị trường ngoại tệ, theo báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong 4 tháng đầu năm 2018, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, tiếp tục được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Theo kết quả công bố về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017, NHNN đạt chỉ số cao nhất với 92,36%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về CCHC trong các Bộ, ngành.
Về điều hành tín dụng, NHNN đã điều hành, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân. Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đến cuối tháng 4/2018, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng trên 5% so với cuối năm 2017. Tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài ra, với phương châm tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí nhất cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng, công tác cải cách hành chính cũng được NHNN đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia, gia tăng uy tín môi trường đầu tư Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Giảm dần thanh toán tiền mặt trong nền kinh tế
NHNN đã có những cơ chế, chính sách, biện pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam như: hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh toán; tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động thanh toán bên cạnh hoàn thiện về hành lang pháp lý cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với việc phát triển hạ tầng phục vụ thanh toán, chất lượng dịch vụ thanh toán và công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt,... qua đó hoạt động thanh toán đã có những chuyển biến tích cực. Sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt đến từ sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức tài chính - ngân hàng lẫn sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Theo số liệu từ NHNN, tỷ trọng sử dụng tiền mặt trong thanh toán của Việt Nam đã giảm từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,78% vào tháng 11/2017. Đến cuối tháng 12/2017, trên toàn quốc có 17.558 ATM và 268.813 POS (tăng 10% so với 2016). Trong năm 2017, giá trị giao dịch thanh toán qua hệ thống ATM/POS tăng 34% so với năm 2016; tỷ lệ rút tiền mặt tại ATM tiếp tục giảm từ 15,71% (năm 2016/2015) xuống 6,86% (11 tháng đầu năm 2017/2016). Số lượng thẻ ngân hàng được phát hành và giá trị giao dịch qua thẻ tăng khá nhanh.
Các NHTM cũng đã được tích hợp thêm nhiều tính năng ứng dụng thanh toán thẻ ngân hàng sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm... ). Công tác bảo đảm an ninh, bảo mật của thẻ ngân hàng được tăng cường bằng cách áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, chuẩn an toàn bảo mật dữ liệu thẻ. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng... Đặc biệt, tỷ lệ rủi ro trong thanh toán thẻ của Việt Nam hiện ở mức thấp so với thế giới.
Bên cạnh triển khai tích cực Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, ngành Ngân hàng tích cực triển khai Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Với ý thức trách nhiệm cộng đồng, NHNN đã phối hợp các cơ quan chức năng triển khai một số chương trình truyền thông giáo dục tài chính cộng đồng nhằm nâng cao ý thức, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ tài chính.
Tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực Về hoàn thiện hành lang pháp lý, trong năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD (có hiệu lực ngay từ 15/1/2018) và Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Sự ra đời của những văn bản quan trọng trên đã tạo thêm cơ sở pháp lý và điều kiện cho ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về thanh tra, giám sát, cơ cấu lại hệ thống gắn với xử lý nợ xấu, góp phần bảo đảm an toàn của hệ thống các TCTD, nâng cao trật tự, kỷ cương và hiệu quả điều hành CSTT, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Với Nghị quyết 42, hoạt động xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ tiến triển mạnh. Nghị quyết này đã thông qua việc hỗ trợ pháp lý cho quá trình xử lý khối tài sản bảo đảm đằng sau những khoản nợ xấu; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua bán nợ của Cty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC); đồng thời cho phép các ngân hàng linh hoạt phân bổ lãi dự thu và chênh lệch khi mua bán nợ xấu. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và sự triển khai quyết liệt, đồng bộ của toàn ngành Ngân hàng, công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng. Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, những mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được đó là: sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và từng bước cải thiện, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát; năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD từng bước cải thiện; khung pháp lý về tiền tệ và ngân hàng được tập trung hoàn thiện, hình thành đồng bộ hơn các chuẩn mực, thiết chế an toàn; nợ xấu đã giảm và tiếp tục được kiểm soát hiệu quả (dưới 3%)... |