Báo chí và doanh nghiệp cần tìm ra giải pháp để xác định và xây dựng lại mối quan hệ trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn.
Phát biểu tại Diễn đàn Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024 do VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo số liệu thống kê, lực lượng báo chí tại Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, 137 báo, hơn 70 đơn vị làm phát thanh truyền hình trong cả nước.
Lực lượng báo chí lớn này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ phát sóng với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp
Do đó, ông Lâm nhấn mạnh rằng, báo chí trước, trong và sau sẽ là lực lượng thông tin chủ lực, dòng thông tin chính định hướng xã hội; tham gia phục vụ xã hội, cung cấp thông tin và tri thức, đồng thời tham gia vào quy trình ra quyết định của cá nhân và tổ chức.
Ông Lâm cho biết, với sự phát triển gần đây của truyền thông xã hội đã mang đến nhiều lựa chọn khác cho doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu, lan toả thông tin, tuy nhiên, dòng thông tin chủ lưu vẫn là báo chí. Mặc dù vậy, từ nhiều năm nay, đội ngũ báo chí vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh trong tình hình kinh tế mỗi lúc một khó khăn, trong khi mô hình kinh doanh cũ của báo chí đang có nhiều thay đổi.
Trong hành trình cùng phục vụ xã hội và người dân, lợi ích của báo chí và doanh nghiệp có lúc không song trùng, thậm chí có xung đột, làm giảm sút niềm tin của 1 bộ phận người đọc và làm mối quan hệ không được xây dựng trên cơ sở trong sáng và minh bạch.
Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn chưa quan tâm nhiều đến công tác truyền thông, hình ảnh doanh nghiệp, dẫn đến việc giao dịch giữa doanh nghiệp và báo chí là những thương vụ đơn lẻ, từ đó làm giảm tính hấp dẫn và hiệu quả. Trong khi đó, có một bộ phận báo chí nhìn nhận vấn đề theo hướng tiêu cực, tạo sức ép với doanh nghiệp, gây áp lực lên các cơ quan quản lý quản lý khi phải tìm hiểu chi tiết, xử lý các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng.
Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt quan hệ với báo chí và có tầm nhìn dài hạn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức đầy đủ, thường nhắm đến lợi ích nhóm trước mắt làm mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp có nguy cơ lệch hướng và phức tạp.
Do đó, ông Lâm cho biết, nếu như chỉ nghĩ báo chí là kênh quảng cáo sản phẩm dịch vụ, hai là sự phiền phức, thì mối quan hệ này sẽ rất khập khiễng. Cả xã hội, cả thế giới đều cần truyền thông có trách nhiệm, việc này một mình báo chí không thể làm được.
Đứng trước kỷ nguyên mới của đất nước với những cơ hội và điều kiện phát triển mới, ông Lâm nhận định, để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, các bên cần tìm ra giải pháp để xác định lại mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp trên nền tảng vững chắc hơn, minh bạch hơn để gia tăng kỳ vọng vào nhau.
Đồng thời, ông Lâm cho biết, báo chí và doanh nghiệp cũng cần phối hợp để tăng cường trách nhiệm xã hội thông qua việc cùng hỗ trợ đưa ra các sản phẩm dịch vụ tốt, trong đó cung cấp thông tin cũng là dịch vụ cần đầu tư đúng mức để có các sản phẩm chất lượng cao.
Cụ thể, ông Lâm đánh giá, để có các sản phẩm báo chí chất lượng cao cần cũng có sự đầu tư nghiêm túc trên nhiều khía cạnh như công nghệ, phương tiện, hình thức thể hiện… .
Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng, hai bên phải tìm kiếm sự thiếu hụt của nhau và bù lại cho nhau những giá trị bằng những phương thức hợp tác khác, không thể chỉ là mối quan hệ “làm phiền đến nhau” hoặc “bên này nghĩ bên kia quan trọng hơn”.