Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 18): Quản trị quốc gia trong thế giới biến đổi

Diendandoanhnghiep.vn Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại ở Việt Nam đang được hình thành thay thế cho cách quản lý truyền thống. Đây là một nội dung quan trọng, có tính cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

>> Quản trị quốc gia vì hạnh phúc của nhân dân

Trong thực tế ở Việt Nam hiện nay, đối tượng quản lý dần được thay thế bằng đối tác cùng hành động. Mặc dù vậy, sự chuyển đổi mô hình quản trị quốc gia ở Việt Nam mới chỉ là bước đầu.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thăm Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư (Ảnh: TTX)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu thăm Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư (Ảnh: TTX)

5 vấn đề cần lưu ý

Tuy đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ song vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn xét trên tất cả các đăc trưng của quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả.

Thứ nhất, về thực hiện nguyên tắc pháp quyền, qua các văn kiện Đảng, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về nhà nước pháp quyền XHCN đã định hình khá rõ ràng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hạn chế trong việc thực hiện nguyên tắc pháp quyền ở Việt Nam. Ngay trong Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng đã nhận định về những hạn chế trong nhận thức như sau: “Trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhận thức chưa đầy đủ về nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, về cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước,… Các nguyên tắc dân chủ, pháp quyền, tính tối thượng của Hiến pháp, vai trò, tiêu chuẩn của pháp luật và hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền XHCN;… chưa được nhận thức, quy định đầy đủ trong mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị”

Thứ hai, về trách nhiệm giải trình, xét về mặt đối tượng, hệ thống pháp luật Việt Nam đã quy định hầu như tất cả các loại hình trách nhiệm giải trình. Tuy nhiên, đánh giá tổng quan về thực trạng trách nhiệm giải trình ở Việt Nam, có thể thấy: “Các hệ thống giải trình trách nhiệm mới đang được xây dựng, nhưng thường chậm và không phải lúc nào cũng tối ưu”.

Gần đây, Báo cáo tổng quan Việt Nam 2035 đã nhận định rằng trách nhiệm giải trình là một điểm yếu nhất của Nhà nước Việt Nam. Chỉ số trọng lượng tiếng nói của người dân và trách nhiệm giải trình của chính quyền ở Việt Nam vẫn nằm ở nhóm 10 quốc gia thấp nhất, và so với các quốc gia khác thì thứ hạng này từ năm 1996 tới nay lại có xu hướng giảm đi.

Thứ ba, về sự tham gia của nhân dân, ở Việt Nam, trong những năm gần đây sự tham gia của nhân dân đã được cải thiện đáng kể cả trên bình diện lập pháp cũng như thực tiễn. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở hiện còn thiếu vắng chế tài đối với các hành vi vi phạm. Một số quy định về các quyền giám sát, phản biện của người dân vẫn còn hạn chế. Việc trưng cầu dân ý đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước vẫn chưa được triển khai thực hiện;…

Thứ tư, về tính minh bạch, trên bình diện pháp luật vấn đề này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc minh bạch trong quản trị quốc gia vẫn còn khá nhiều hạn chế. Theo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng Chống tham nhũng, Chính phủ nhân định “việc thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình chưa đồng bộ”.

Theo Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới sự thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, tính công khai, minh bạch về quá trình xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực, như: đất đai, doanh nghiệp nhà nước, sự tuân thủ yêu cầu này còn hạn chế và đang gây nhiều quan ngại. Chỉ số về cung cấp thông tin và tính minh bạch của Việt Nam tương đối thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới 2.

Thứ năm, về hiệu lực, hiệu quả ở Việt Nam, bộ máy nhà nước trong thời gian gần đây đã có những cải tiến lớn theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy Nhà nước CHXHCNVN vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức trong Nhà nước chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp.

Việc thực hiện phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương chưa thật đồng bộ, triệt để, đáp ứng được yêu cầu, chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của cấp cơ sở, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, quản lý nguồn lực, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong bộ máy nhà nước trước nhân dân có nơi còn mang tính hình thức. Việc thực thi các chỉ số đo lường hiệu lực, hiệu quả quản trị quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế.

>> Nâng cao năng lực quản trị quốc gia để “bứt phá” sau đại dịch

Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại

Những ảnh hưởng của đại dịch, cùng với cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra một thế giới biến đổi với nhiều thách thức khó lường. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại là vấn đề cần được đẩy mạnh và quan tâm. Từ góc độ cá nhân, xin được đưa ra một số lưu ý.

Thứ nhất, nhận thức lại, tư duy lại vai trò của Nhà nước đồng thời thúc đẩy và tạo điều kiện tốt nhất cho sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng, thực thi, giám sát chính sách, pháp luật của Nhà nước Cần giải quyết mối quan hệ giữa các thiết chế trong hệ thống chính trị. Cần quan niệm về vấn đề Nhà nước theo hướng Nhà nước chỉ là chủ thể dẫn dắt, nâng đỡ xã hội phát triển. Nhà nước phải tạo ra những cơ chế phù hợp, thúc đẩy cá tổ chức xã hội phát triển nhưng vẫn bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

Cùng với đó, cần phân định rõ vai trò quản lý nhà nước về kinh tế.

Về thực hiện chức năng xã hội, nhà nước cần xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ về vật chất cho những người thất nghiệp tạm thời và giúp đỡ họ tìm kiếm việc làm, nâng cao trình độ nghề nghiệp,…

Ngoài ra, nhà nước cần xây dựng hệ thống tổng thể an sinh xã hội cho tất cả mọi người dân trên cơ sở phân phối công bằng hơn thu nhập quốc dân, thành lập hệ thống an sinh xã hội thống nhất trên cơ sở phân phối thu nhập quốc dân một cách công bằng.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục và đổi mới cơ chế lấy doanh nghiệp, người dân làm trọng tài để đánh giá chất lượng của bộ máy công quyền nhằm tăng cường tính đồng thuận, trách nhiệm giải trình, sự minh bạch. Gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số chỉ số đo lường các khía cạnh khác nhau của nền quản trị quốc gia ở cấp độ địa phương, nhưng có có phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, cần công khai hóa và tiếp tục có những đánh giá tác động những chỉ số này đối với xã hội như thế nào, góp phần vào cải cách ra sao?.

Thứ tư, tăng cường sự giám sát của tuân thủ tính pháp quyền của Nhà nước. Báo cáo Chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đảm bảo sự kịp thời, tính hiệu lực, tính hiệu quả, tính bình đẳng và không loại trừ chủ thể nào. Cần phải có những chế tài xử phạt rõ ràng, có sự thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ và ổn định nhằm, một mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên trong xã hội yên tâm, tích cực tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội. Mặt khác, phải bảo vệ những lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức xã hội hướng tới công bằng và tiến bộ xã hội.

Thứ năm, cam kết và đẩy nhanh quá trình thực hiện sáng kiến đối tác Chính phủ mở (OGP) với bốn tiêu chí cụ thể là minh bạch tài khóa, công khai tài sản, tăng cường sự tham gia của người dân và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Có thể nói sáng kiến đối tác Chính phủ mở là một sáng kiến quốc tế nổi bật nhất từ trước tới nay nhằm gia tăng sự minh bạch của các chính phủ, thúc đẩy việc trao quyền cho công dân, đấu tranh chống tham nhũng, phát huy công nghệ thông tin để cải thiện hoạt động quản trị nhà nước. OGP có 4 tiêu chí tính điểm bao gồm: (1) sự minh bạch tài khóa; (2) công khai tài sản; (3) sự tham gia của người dân; (4) tiếp cận thông tin.

Khi tham gia vào OGP, Chính phủ mở giúp tăng cường niềm tin của công chúng với chính quyền – điều mà có tác động sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, pháp luật của quốc gia.

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Diễn đàn cải cách 2021-2025 (Bài 18): Quản trị quốc gia trong thế giới biến đổi tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714072719 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714072719 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10