Các cơ quan phòng, chống tham nhũng được pháp luật trao cho quyền lực rất lớn trong việc thực thi nhiệm vụ. Nó cũng như “Thượng phương Bảo kiếm” để thực thi công vụ.
Ngày xưa, “Thượng phương Bảo kiếm” là bảo vật được vua ban cho người có quyền lực và uy tính có thể thay mặt vua xử lý những việc quan trọng, cấp bách. Ngày nay, các cơ quan phòng, chống tham nhũng được pháp luật trao cho quyền lực rất lớn trong việc thực thi nhiệm vụ. Nó cũng như “Thượng phương Bảo kiếm” để các cơ quan này thực thi công vụ một cách hiệu quả.
Nhưng thực tế nhiều cán bộ công chức được giao quyền thanh tra, điều tra có một số phần tử thoái hóa biến chất lợi dụng “Thượng phương Bảo kiếm” đó để kiếm chác, trục lợi cá nhân. Như Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng “người chống tham nhũng mà đi tham nhũng thì thật nực cười” khi nói về vụ việc đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản vì bị nghi “vòi tiền”.
Có thể bạn quan tâm
15:30, 18/06/2019
11:00, 17/06/2019
08:00, 14/06/2019
05:14, 13/06/2019
06:16, 12/06/2019
Cũng theo vị đại biểu này, xét dưới góc độ xã hội, nhìn vào những con người này cảm giác dần dần mất đi niềm tin. “Không chỉ là cán bộ này mà còn là những cán bộ khác, không chỉ Thanh tra Xây dựng mà còn có khả năng thanh tra khác nữa thì sao?. Thậm chí cả những cán bộ lãnh đạo của các cơ quan hành chính, tư pháp thì sao?. Có đấy. Tôi cho rằng, đây là cái rất đáng trăn trở”.
Có lẽ ông Nhưỡng đang “cười” chua chát. Vì rằng thanh tra là để phòng ngừa và phát hiện có sai phạm hay không, qua đó có biện pháp xử lý, chấn chỉnh cho đúng quy định. Nhưng khi phát hiện ra sai phạm chính cán bộ thanh tra lại “vòi tiền” để được ém sai phạm. Và việc này không phải là đơn lẻ mà có thể đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực.
Ở đây quyền lực đã bị lợi dụng để trục lợi bất chính, phớt lờ đi những quy định của pháp luật. Những cán bộ nắm trong tay quyền “sinh, sát” đã “vung kiếm vườn hoang” để lại bao nhiêu hậu quả nghiêm trọng mà xã hội phải gánh chịu. Đáng buồn hơn, sự việc ở Vĩnh Phúc vừa qua xảy ra trong giai đoạn nóng bỏng của cuộc chiến chống tham nhũng. Phải chăng căn bệnh tham nhũng đã trở nên quá nặng, “chủ thể” đã “nhờn thuốc”?
Không biết từ bao giờ, cụm từ thanh tra, kiểm tra luôn làm cho người ta lo lắng, sợ hãi. Không chỉ doanh nghiệp mà đến cả người buôn bán nhỏ lẻ, những đơn vị hành chính sự nghiệp trong diện đối tương bị thanh tra cũng phải “khóc thét” lên khi nghe bị thanh tra.
“Bói ra ma, quét nhà ra rác”, thanh tra thì kiểu nào cũng có lỗi. Nhiều khi không có lỗi cũng cố “nặn” cho ra lỗi.
Bởi vì đi kèm với nó là những “luật ngầm” bất thành văn mà ai cũng phải biết. Doanh nghiệp muốn được cho qua thì phải chung chi, đút lót cho cán bộ thanh tra. Người bán hàng rong muốn không bị phạt phải “bồi dưỡng” cán bộ phường. Người tham gia giao thông khi bị cảnh sát thổi còi thì “nhét” cho vài trăm nghìn để được cho đi… Bất kỳ đối tượng nào bị thanh tra, kiểm tra cũng hiểu được rằng muốn được “xử đẹp” thì phải “biết điều”.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của việc này chính là giao quyền lực mà thiếu cơ chế kiểm soát hiệu quả.
Luật ngày nay cũng có nhiều quy định về tư cách đạo đức, quy trình bổ nhiệm và cơ chế kiểm tra, giám sát đối với cán bộ công chức nhưng quá thiếu chặt chẽ và nhiều vấn đề khó thực hiện được.
Tại điều 57 luật phòng, chống tham nhũng quy định kiểm tra hoạt động chống tham nhũng tại cơ quan thanh tra chỉ nói chung chung về trách nhiệm tăng cường quản lý của người đứng đầu đối với cán bộ, công chức thuộc quyền. Còn tại Chương V của luật này cũng quy định trách nhiệm (chung chung) của xã hội trong phòng chống tham nhũng.
Nhưng, như Đại điểu Nhưỡng cho rằng: “Rất khó để ông thanh tra đi đâu thì ông thủ trưởng đi đấy hay ông thanh tra đi đâu thì dân phải đi theo. Cho nên cái kiểm soát chính là những người dân trực tiếp làm việc với đội ngũ này. Nhưng họ là đối tượng bị thanh tra, số phận, sinh mệnh họ trong tay ông thanh tra. Nên nhiều khi họ bắt buộc phải thực hiện những việc mà họ không mong muốn. Thậm chí có khi họ phải làm sai”.
Nguyên nhân kế đến là công tác cán bộ có vấn đề. Tình trạng “con ông cháu cha” xưa nay đã quá phổ biến. Ở nhiều địa phương có cả dòng họ mấy chục người nằm trong bộ máy nhà nước với các vị trí toàn là chủ chốt. Rồi tình trạng chạy chức, chạy quyền với những câu chuyện về “quan lộ thần tốc” như đã bị phanh phui gần đây. Quy trình đề bạt, bổ nhiệm cán bộ như thế thì lấy đâu ra cán bộ đủ đức đủ tài để thực thi tốt nhiệm vụ!?
Sâu xa nhất đó là tham nhũng, hối lộ đã ngấm vào tư tưởng, máu thịt của nhiều người. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Khi nói đến cán bộ công chức người ta luôn nghĩ tới quan liêu, nhũng nhiễu. Khi đến cơ quan công quyền người dân sẵn sàng tâm lý để hối lộ quan chức.
Nhiều người tìm mọi cách để được “vào nhà nước” với tư tưởng có chức quyền, địa vị xã hội và để giàu có. Có lẽ lâu dần người dân đã quen với cảnh “sống chung với lũ”.
Quay lại với thanh “bảo kiếm”, khi vua ban cho người nào thì việc đầu tiên là phải “chọn mặt gửi vàng”. Sau nữa là đi đôi với quyền lực được như vua thì trách nhiệm gắn với “cái đầu” của người đó.
Ngày nay, tuy luật cũng có những quy định đầy đủ, rõ ràng về trách nhiệm của người thi hành công vụ nhưng giữa luật và thực tế còn một khoảng cách quá xa. Cần có những thay đổi từ thể chế, cơ chế đến suy nghĩ, tư tưởng của mỗi người về phòng, chống tham nhũng.
Và trong khi chờ đợi một điều gì đó hiệu quả hơn thì trước mắt chúng ta chỉ biết cầu mong vào sự thay đổi từ lương tâm, đạo đức của người cán bộ công chức mà thôi.
Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi liên hệ gửi nhuận bút khi bài viết được đăng. |