Đúng giờ trong công việc, lễ tiệc, gặp mặt và các cuộc hẹn khác tưởng chừng là việc rất đơn giản nhưng nhiều người không thực hiện được.
Họ không hình dung được sự lãng phí thời gian và thiếu tôn trọng người khác, lâu dần trở thành thói quen xấu không hay biết.
Đặc thù công việc làm quản lý dự án nên tôi có điều kiện tham dự nhiều cuộc họp có phối hợp với các bên liên quan thiết kế, giám sát, thi công, chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật, chính quyền địa phương nơi có công trình xây dựng đi qua để giải quyết các trở ngại. Tôi thấy nhiều người thường trễ hẹn, để người khác chờ, điều mà lẽ ra nên tránh.
Chẳng hạn như họp bàn giao mặt bằng công trình, thư mời ghi rõ thời gian bắt đầu lúc 8 giờ, tôi đến sớm hơn 10 phút đã thấy có đại diện đơn vị nước ngoài. Đến giờ họp vẫn chưa thể bắt đầu do thiếu nhiều thành phần, tôi gọi điện thoại thì thường nhận được trả lời “Đợi chút vì bị kẹt xe”, “Gần tới rồi”... Sau đó, lần lượt những người đi họp đến trễ. Chuyện này lặp đi lặp lại trong các cuộc họp, nhiều người đi trễ xem như bình thường.
Có lần hơn 10 người phải chờ 1 người gần tiếng rưỡi đồng hồ, thấy nhiều người phiền lòng nên tôi góp ý với người đến trễ thì nhận được câu trả lời “Thời buổi này đâu ai đúng giờ?!”. Không biết những người đi họp trễ nghĩ sao khi để nhiều người phải chờ đợi ?
Có thể bạn quan tâm
11:00, 17/06/2019
08:00, 14/06/2019
05:14, 13/06/2019
06:16, 12/06/2019
Nhiều lần tôi làm thư mời họp kiểm tra hiện trường, ít khi cuộc họp diễn ra đúng thời gian dự kiến. Tới giờ họp còn thiếu nhiều thành phần, là đơn vị tổ chức nên tôi luôn có cảm giác ngóng đợi. Trong lần chờ đủ thành phần dự họp vì đến trễ, một đối tác là nhà đầu tư nước ngoài có vẻ khó chịu hỏi tôi câu hỏi có tính quy nạp “Sao người Việt hay trễ hẹn ?”.
Nói về đi họp trễ, nhà đầu tư kể câu chuyện vui, ở tập đoàn có anh thư ký đi làm trễ để ban giám đốc chờ hơn nửa giờ trong một cuộc họp và khi đến viện lý do đồng hồ bị hư, vị giám đốc liền nói với anh thư ký hãy về thay chiếc đồng hồ, còn chúng tôi thì thay thư ký.
Trễ họp còn có ở người lãnh đạo, chủ trì. Tôi đi dự nhiều cuộc họp thấy khách mời đã đến đông đủ, chờ người lãnh đạo chủ trì có khi từ 15 - 20 phút. Các vị ấy bước vào thường nêu lý do “Công việc nhiều quá”, “Có chuyện gấp”, “Ký văn bản cho kịp phát hành”… Nhiều người xem chuyện đến trễ là điều mặc nhiên với lãnh đạo, người chủ trì cuộc họp. Đã có người nói với tôi, lãnh đạo đi họp trễ còn để thể hiện vị thế đẳng cấp của bản thân!
Trễ giờ không chỉ trong những cuộc họp, làm việc mà còn ở các cuộc hẹn khác. Chẳng hạn như họp lớp, cả nhóm trao đổi qua zalo hẹn gặp lúc 8 giờ nhưng nhiều người đến lúc 10 giờ, 11 giờ. Những người đến trễ luôn giải thích với lý do được cho là “chính đáng”, “khách quan” như cho trẻ em ăn uống, có khách tới nhà chơi, vì tối qua thức khuya…
Có người chia sẻ kinh nghiệm đi đám cưới, phải trừ hao thời gian để khỏi phải chờ đợi, đi trễ khoảng một giờ so với thư mời, giờ số đông cũng như vậy. Tôi đi đám cưới theo thời gian ghi trong thư mời thường là một trong những khách mời đến sớm nhất.
Ở xứ ta, chuyện giờ giấc dường như được mặc định co giãn như dây thun. Ví dụ như nội quy cơ quan làm việc từ 7 giờ 30 nhưng 8 giờ mới đến hoặc có khi còn trễ hơn nữa, thư mời dự đám cưới ghi rõ khai tiệc lúc 17 giờ 30 nhưng 18 giờ 30 hoặc 19 giờ mới đến.
Trong thời buổi hội nhập với trào lưu quốc tế, nếu ai đó vẫn duy trì thói quen trễ hẹn sẽ khó thành công mà nhất là khi làm việc với đối tác nước ngoài, càng khó tạo niềm tin trong các mối quan hệ, chưa kể tự đánh mất cơ hội thăng tiến phát triển trong cuộc sống.
Chắc ai ít nhiều cũng đã trải qua những tình huống trễ hẹn và tùy từng trường hợp với mức độ tác hại gây ra mà người chờ đợi có thể vui vẻ bỏ qua hay phiền lòng, khó chịu, bực bội. Trễ hẹn một hoặc hai lần vì sự cố xảy ra ngoài ý muốn như có việc gấp, xe hỏng, đường tắc… Ban đầu, những lời giải thích sẽ được chấp nhận. Nhưng trễ hẹn nhiều lần, lặp đi lặp lại có hệ thống thì dù biện minh như thế nào cũng khó có ai tin.
Trễ hẹn không hẳn lười biếng, thiếu tôn trọng người khác mà lắm khi là thói quen nhưng tác động xấu đến mối quan hệ, sự nghiệp, công việc, thậm chí là thu nhập của mình. Bỏ ngay thói quen lâu ngày không dễ nhưng có thể kiểm soát tình hình để thay đổi dần, rồi tiến tới bỏ hẳn.
Thử hình dung hàng ngày tất cả chúng ta có biết bao nhiêu cuộc làm việc, họp hành và các cuộc hẹn. Mỗi lần đến trễ là gây lãng phí vì thời gian là tiền bạc. Có thể chưa ai quy đổi ra con số chính xác nhưng thiệt hại cho chính người hẹn và xã hội hẳn là không nhỏ.
Dự họp đúng giờ, làm việc đúng giờ, hẹn đúng giờ không những thể hiện văn hóa bản thân, sự quan tâm, lòng tự trọng mà còn cho thấy thái độ chủ động tôn trọng người khác, tạo mối quan hệ lâu dài, tính chuyên nghiệp trong công việc, nghiêm túc trong cuộc sống.
Cần lắm sự tự giác trong quan hệ cộng đồng, đừng để người khác chờ đợị và phải biết nói lời xin lỗi nếu lỡ trễ hẹn... Hãy xây dựng thói quen làm việc đúng giờ, đến đúng hẹn. Điều này không khó với những ai biết cách xác lập và quản lý thời gian cho chính mình, tuân thủ thực hiện theo đúng kế hoạch. Như lưu ý cài đặt điện thoại nhắc nhở những lần hẹn và công việc quan trọng, chủ động sắp xếp mọi thứ, đến sớm vài phút vừa có sự chuẩn bị vừa trò chuyện tạo thêm mối quan hệ. Trường hợp vì lý do bất khả kháng phải đến trễ, hãy thông báo cho người khác biết về điều đó trước giờ hẹn, rút kinh nghiệm, đừng ngụy biện. Đó còn là cách xây dựng con người tử tế, chuẩn mực trong bối cảnh nước ta hiện nay.
Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia mọi lĩnh vực. Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi liên hệ gửi nhuận bút khi bài viết được đăng. |