Cần “vẽ đường cho hươu chạy" đúng hướng, hun đúc và phát triển tính cách từ mỗi cá nhân lúc còn nhỏ tuổi.
Trên mạng xã hội mà dễ thấy nhất là YouTube, Facebook có đầy rẫy thông tin của giới trẻ được cho là giật gân, thách đố, ngông cuồng… Từ phát ngôn tục tĩu, nghênh ngang đến tranh dành, sống ích kỷ, bị làm nhục, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật...
Mới đây, một hành động tồi tệ khác, cậu con trai đổ chậu trứng sống (gồm 200 quả đập ra) từ trên cao trút cuống đầu người mẹ đang ngồi rửa bát để quay clip khoe trên YouTube câu view.
Hình ảnh cậu con trai đổ chậu trứng sống từ trên cao trút cuống đầu người mẹ để quay clip khoe trên YouTube.
Rõ ràng những câu chuyện đau lòng ở giới trẻ thật đáng chê trách nhưng xét ở góc độ nào đó thấy đáng thương, nhiều em chưa đủ trải nghiệm cuộc sống, phân biệt tốt xấu, không làm chủ được bản thân, bị phụ thuộc nhận xét của người khác. Có em muốn được quan tâm bằng cách bắt chước những trò lố trước đó để được mọi người chú ý, làm theo những khiêu khích thách đố. Phần lớn các trường hợp này thiếu quan tâm, giáo dục từ gia đình.
Mạng xã hội giờ không chỉ là phương tiện chia sẻ, kết nối mà còn là công cụ để tiếp thị, quảng cáo, kinh doanh, mua bán sản phẩm, thăm dò tâm lý công chúng. Nhiều người đăng tải các trò lố thu hút sự chú ý, câu view, tăng “like”. Ngay trên mạng còn chỉ dẫn cách tăng “like” bằng các trò lố lăng, nói và làm kỳ quái. Quả thực đã nhận nhiều “like”.
Đó là các nút “like” vô cảm như tiếp thêm “động lực” cho những hành vi sai trái, người thì suy nghĩ cứ “like” đại xem sao chứ không mất mát gì, người thì vô tình “like” theo cảm tính, đâu biết hậu quả thật khó lường. Không ít những nút “like” chỉ là vô tình, không phù hợp hoàn cảnh nhưng như xát thêm muối vào vết thương và nỗi đau cho người trong cuộc.
Chẳng hạn, một người đăng trên Facebook báo tin người thân bị tai nạn qua đời, điều lạ có nhiều nút “like”. Mà bản chất “like” chứng tỏ sự đồng thuận và thích thú, ủng hộ. Nên chăng, để không “tiếp sức” cho cái xấu, ai cũng cân nhắc kỹ trước khi “like”.
Nhìn chung cơ quan chức năng còn bị động, chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu, phần nào đó là buông lỏng nên bị động, khi có vụ việc bức xúc xảy ra mới vào cuộc xử lý. Một thực tế cần nhìn nhận, hệ thống truyền thông chính thống để định hướng đã thất bại.
Mạng xã hội thông minh chỉ có thể đạt được khi có những công dân thông minh và am hiểu công nghệ, nhưng có được 2 thứ này đòi hỏi xử lý nghiêm các trang mạng sai phạm và vi phạm pháp luật, cụ thể là luật an ninh mạng. Cần một quá trình chuẩn bị bài bản, tận tâm hướng dẫn lẫn chấn chỉnh, uốn nắn thường xuyên theo một quỹ đạo định hướng sẵn. Nhìn chung thì các cơ quan chức năng ở nước ta chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu, phần nào buông lỏng nên rơi vào bị động, khi xảy ra vụ việc mới tiến hành giải quyết.
Ngăn chặn những tác động tiêu cực từ mạng truyền thông xã hội, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ chính quyền, gia đình, nhà trường, báo chí chính thống. Trước tiên là sự vào cuộc của cơ quan chức năng, hãy yêu cầu loại bỏ ngay những thông tin xấu phát tán lan rộng trên mạng, sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật và trái với thuần phong mỹ tục văn hóa dân tộc.
Đồng thời, xử lý nghiêm, phạt nặng các trang mạng có sai phạm hoặc vi phạm pháp luật Việt Nam. Cứ thông tin nào vi phạm pháp luật hoặc được cho là giật gân, thách đố, ngông cuồng, quảng cáo không lành mạnh, nói và làm kỳ quái, xúc phạm đời tư cá nhân, những hành động tiêu cực, hành vi liên quan lừa đảo trên mạng đều bị chặn truy cập, chia sẻ, tạm ngừng hiển thị nội dung trên mạng.
Truyền thông đại chúng tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm cho người sử dụng mạng xã hội tránh bị lợi dung, đề cao lý tưởng sống hiểu biết, làm theo pháp luật.
Cha mẹ dành thời gian quan tâm chăm sóc, hướng dẫn con mình. Cha mẹ có thể kết bạn với con mình trên mạng xã hội để có điều kiện theo dõi, chia sẻ, khuyên bảo những điều chưa phù hợp, không tin lời khiêu khích hoặc chạy theo cái xấu đang tràn lan trên mạng. Như không ủng hộ cái xấu, hành động tồi tệ, nói và làm kỳ quái, cân nhắc kỹ trước khi “like”. Từ đó, “vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng”, hun đúc và phát triển tính cách từ mỗi cá nhân lúc còn nhỏ tuổi.
Nhà trường ngoài giáo dục kiến thức dạy chữ có thể mở thêm khóa rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh cách sống thân thiện, tuân thủ pháp luật.
Địa phương có thể tạo thêm sân chơi, công viên, giải trí, sinh hoạt cộng đồng cho giới trẻ, lứa tuổi học sinh để hạn chế tối đa sự phục thuộc mang xã hội như YouTube, Facebook.
Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi liên hệ gửi nhuận bút khi bài viết được đăng. |