Đó là khẳng định của ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam tại Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”.
Chiều ngày 16/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP.HCM và Viện Nghiên cứu Ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) tổ chức Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”.
Tham dự Diễn đàn có ông Võ Tân Thành– Phó Chủ tịch VCCI; Ông Tạ Huy Hoàng – Trưởng văn phòng Đại diện Bộ Xây dựng tại phía Nam; Ông Phạm Thanh Trực – Phó Trưởng ban Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA); Ông Trần Ngọc Liêm – Giám đốc VCCI HCM; Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam; Trung tá Phạm Thy Bình – Phó Đội trưởng phòng cháy Phòng cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP.HCM; Ông Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – thuộc trường Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Cao Anh Tuấn – Chuyên gia về Năng lượng tái tạo; Ông Nguyễn Hữu Khoa – Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; TS. Trần Huỳnh Ngọc -Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu phát triển - PECC2 (thuộc EVN); Ông Hoàng Đình Lân – Phó Ban Kinh doanh Tổng Công ty Điện lực miền Nam; Ông Lê Hồng Khanh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương.
Về phía Ban tổ chức có sự tham dự của Nhà báo Phạm Hùng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng văn phòng phía Nam; Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Phan Công Tiến – Giám đốc Viện nghiên cứu Ứng dụng năng lượng thông minh.
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam đánh giá, chủ đề của Diễn đàn hôm nay là Điện mặt trời mái nhà cho các doanh nghiệp là rất cần thiết đối với cả chủ đầu tư các khu công nghiệp cũng như các nhà đầu tư thứ cấp khác.
Ông cho biết, năm 2020 các doanh nghiệp rất hào hứng, quan tâm tới việc này. Chỉ trong vòng 1 năm đã thực hiện được gần 100 Megawatt. Do đó, có thể nói dư địa cho lĩnh vực này trong các KCX, KCN là rất lớn. Riêng tại TP.HCM đã có gần 2.000 nhà đầu tư, nếu làm hết cũng phải gần 2.000 Mgw.
“Hiện nay, chúng ta có 428 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp, trong đó, các nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN, KCX và khu công nghệ cao có gần 80.000 doanh nghiệp và nhà đầu tư thứ cấp. Đây là con số rất trọng tâm, trọng điểm để thực hiện cho việc phát triển điện mặt trời áp mái”, ông Long đánh giá.
Ông cũng cho rằng, hiện nay, đối với nhà đầu tư, chủ đầu tư khu công nghiệp, đa số các nhà đầu tư (gần 100% nhà đầu tư) quan tâm tới khu công nghiệp sinh thái. Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền của Hải Phòng là khu công nghiệp đi đầu cả nước tiên phong thực hiện công nghiệp sinh thái.
“Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có một số lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp, nhà xuất khẩu, nếu không thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thì đó sẽ là một vấn đề rất lớn. Nếu không có chứng chỉ xanh thì rất khó xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp hiện nay đang rất quan tâm tới chuyển đổi xanh”, ông Long chia sẻ.
Ở góc độ Hiệp hội, ông Long kiến nghị: Thứ nhất là về pháp lý. Hiện nay, chúng ta đang chở Nghị định của Chính phủ ban hành cho lĩnh vực này. Bộ Công thương cũng rất quyết liệt trong việc sớm trình Chính phủ Nghị định. Tất các các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp đều mong muốn rằng, tính pháp lý cho lĩnh vực này phải hết sức rõ ràng, cụ thể và phải thực hiện một cách đồng bộ. Hiện nay, doanh nghiệp muốn làm nhưng vẫn còn rất băn khoăn. Do đó, đề nghị VCCI nên có thêm những diễn đàn hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.
Thứ hai, những giải pháp thực hiện phải hết sức hiệu quả. Tháng 10 tới, Hội sẽ phát động chương trình quyết tâm thực hiện điện năng lượng mặt trời tại các khu công nghiệp của các doanh nghiệp hội viên. Do đó, rất cần các giải pháp thực hiện của các doanh nghiệp về vận hành, quản trị. Công nghệ sản phẩm liên quan lắp đặt cũng phải tiên tiến an toàn hiệu quả tiết kiệm nhất có thể.
Thứ ba, mong muốn Chính phủ có quỹ hỗ trợ nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp. Hiện mới chỉ có vài ngân hàng có sản phẩm về tài chính xanh hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện, nhưng đó mới chỉ là sản phẩm riêng lẻ.
“Nên chăng Chính phủ có gói hỗ trợ riêng hoặc Ngân hàng Nhà nước có gói hỗ trợ quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp có thể thực hiện được việc chuyển đổi xanh một cách đồng bộ, hiệu quả. Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất khó khăn về tài chính để chuyển đổi xanh. Do đó, cần nguồn vốn hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước, các bộ ngành”, ông Long kiến nghị.
Đồng thời, ông cũng cho rằng, một khu công nghiệp, một nhà máy rất khó chuyển đổi xanh nếu như không có sự chung tay của Nhà nước, địa phương thông qua những hỗ trợ đồng bộ và hiệu quả.