Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014.
Trong đề xuất về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt, ngoài phương án 5 bậc, Bộ Công Thương thêm phương án điện một giá, với mức giá bằng 145-155% mức giá bán lẻ điện bình quân (tương đương 2.703-2.889 đồng/kWh).
Sau khi dự thảo được đưa ra, nhiều chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về dự thảo này, đặc biệt là liên quan đến phương án điện một giá. Không ít ý kiến cho rằng đây chính là tăng giá điện (tăng giá điện bình quân).
Bình luận về vấn đề này TS Bùi Trinh nhận xét, rất vô lý khi điện một giá lại cao gấp rưỡi giá điện bình quân và cho rằng phương án mà Bộ Công Thương đưa ra cho thấy sự thiếu minh bạch, ưu ái ngành điện.
Ông Trinh cảnh báo, nếu phương án trên được chấp thuận, nó sẽ không chỉ gây thiệt thòi cho người dân mà còn ảnh hưởng tới cả nền kinh tế.
"Giá điện không chỉ đi vào tiêu dùng cuối cùng mà còn đi vào sản xuất. Khi giá điện tăng thì nó sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên. Không những vậy, nó còn làm tăng chi phí trung gian của nền kinh tế, dẫn đến tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm (Tổng giá trị tăng thêm bằng khoảng 90% GDP). Chưa tính đến tác động của đại dịch COVID-19, nếu cứ tăng giá điện một cách thiếu minh bạch và phi thị trường như vậy sẽ kéo GDP của nền kinh tế giảm xuống", TS Bùi Trinh chỉ rõ.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, giá điện bình quân đã đảm bảo cho EVN có lãi để tái đầu tư và thực hiện phúc lợi xã hội. Do đó, nếu áp dụng điện một giá thì mức giá phải ngang với giá điện bình quân.
Nói rõ hơn về vấn đề này, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam) cho biết, phương án điện một giá được Bộ Công Thương đưa ra khiến dư luận cảm thấy đây chính là tăng giá điện (tăng giá điện bình quân tức là tăng giá điện) và tự hỏi lần sửa biểu giá bán lẻ điện lần này có phải kết hợp tăng giá điện luôn không?
Trong Luật Điện lực, Quyết định 69/2013/QĐ-TTg và Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, ở giá điện bình quân Nhà nước đã tính rõ ràng, minh bạch giá thành - là giá bao gồm tất cả các loại chi phí của ngành điện để đảm bảo cho hoạt động của ngành (giá thành phát điện, giá thành truyền tải, giá thành phân phối - bán lẻ, giá thành quản lý ngành và các loại giá khác). Giá thành này cộng (+) với lợi nhuận định mức thì ra giá bán lẻ điện bình quân.
Theo quan điểm của ông Lâm, về nguyên tắc, giá điện bình quân luôn luôn thay đổi, có sự điều chỉnh phù hợp có lên, có xuống. Khi đầu vào thay đổi (như giá nhiên liệu, tỷ giá thay đổi và cơ cấu nguồn điện thay đổi (phụ thuộc vào thời tiết) thì giá điện bình quân cũng thay đổi.
“Nếu ngành điện chứng minh được giá đầu vào thay đổi nhiều, kéo theo giá thành và giá điện bình quân tăng lên thì người dân chấp nhận vì đó là cơ chế thị trường, không thể thích đặt ra bao nhiêu thì đặt. Còn nếu ngành điện không chứng minh được mà lại tính mức giá điện một giá cao hơn giá điện bình quân khoảng 1.000 đồng/kWh thì không được”, ông Lâm nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Nhà đầu tư muốn "nới", vì sao EVN đề xuất không gia hạn ưu đãi giá điện gió?
04:00, 30/07/2020
LỘ TRÌNH NÀO CHO GIÁ ĐIỆN CẠNH TRANH: Gỡ "nút thắt" phát triển
11:39, 17/07/2020
LỘ TRÌNH NÀO CHO GIÁ ĐIỆN CẠNH TRANH: Biểu giá điện và chuyện kinh tế giá
04:50, 17/07/2020
LỘ TRÌNH NÀO CHO GIÁ ĐIỆN CẠNH TRANH?: Lộ trình cụ thể áp dụng biểu giá điện 2 thành phần
11:00, 16/07/2020
Không phải điện một giá hay bậc thang, tối ưu phải là giá điện hai thành phần!
06:00, 13/07/2020