Đốt rác thải để phát điện (gọi tắt là điện rác) là bài toán được nhiều địa phương lựa chọn trong việc xử lý rác thải. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực được đánh giá không dễ “nhằn”.
>>Cần cơ chế cho công nghệ điện rác phát triển
Nóng lòng điện rác
Ban Thường vụ thành ủy Hải Phòng vừa giao UBND thành phố xây dựng Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nội dung chính của Đề án này là xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.
Theo đó, Nhà máy đốt rác phát điện có công suất 2.000 tấn/ngày dự kiến được xây dựng tại Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ (quận Hải An). Nhà máy được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có công suất xử lý 1.000 tấn rác/ngày với tổng mức đầu tư 2.498 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Và đến năm 2025, nhà máy điện rác này có thể hoàn thành và đi vào hoạt động. Đến năm 2028, dây chuyền thứ 2 của Nhà máy có thể được xây dựng tại Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) để có thể xử lý được 4.000 tấn rác/ngày.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào “đánh tiếng” về những dự án điện rác này.
Theo tính toán, trung bình mỗi ngày Hải Phòng có khoảng gần 1.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và khoảng hơn 800 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn. Tỷ lệ phát sinh lượng rác thải này tăng khoảng 10 - 15%/năm. Mặt khác, hầu hết khối lượng rác thải này đều được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Theo dự báo, chỉ trong vòng 3 năm tới, các hệ thống xử lý rác thải hiện tại của Hải Phòng sẽ bị quá tải. Hải Phòng dự kiến đến năm 2025 sẽ đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường thêm 85 bãi rác tạm và đến 2030, đóng cửa toàn bộ bãi rác tạm trên địa bàn thành phố.
Trước đó, trong Hội nghị Thành ủy lần thứ IV (Tháng 7/2021), ông Trần Lưu Quang - Bí thư Thành ủy Hải Phòng (khi đó mới được phân công từ Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM về) đã “giật mình” về vấn đề rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải khu vực nông thôn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố. Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã chỉ đạo, cần phải giải quyết càng sớm càng tốt vấn để xử lý rác thải trên địa bàn thành phố.
Mặc dù rất nóng lòng về vấn nạn rác thải, tuy nhiên nhiều năm qua Hải Phòng vẫn loay hoay để tìm ra giải pháp hữu hiệu. Trước đây, đã có một tập đoàn lớn có chủ trương đầu tư vào dự án đốt rác phát điện tại xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên. Theo dự kiến, thủ tục đầu tư của dự án hoàn thành trong năm 2020 và khởi công vào Quý I/2021 và hoàn thành vào Quý IV/2022. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “bặt vô âm tín”.
Mỗi “nhà” một hoàn cảnh
Điện rác là từ khóa thu hút rất nhiều sự quan tâm của các địa phương. Tuy nhiên, lĩnh vực này khá mới mẻ nên rất khó có những “bộ tiêu chí” để làm kim chỉ nam cho các địa phương lựa chọn đầu tư.
Cuối năm 2018, Nhà máy điện rác Cần Thơ hoàn thành và đi vào hoạt động. Theo đánh giá của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thì nhà máy vận hành tốt, hiệu quả. Tuy nhiên, đằng sau cái được xem là hiệu quả thì lại phát sinh hàng nghìn tấn tro bay sau quá trình xử lý đốt rác của nhà máy này vẫn đang “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Các ngành, địa phương thành phố Cần Thơ đã phải rất đau đầu để xử lý “chất thải” của nhà máy xử lý rác thải này.
>>Cần cơ chế để tháo "nút thắt" cho doanh nghiệp điện rác
Dự án Nhà máy điện rác tỉnh Hậu Giang do Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang là nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, công suất xử lý rác khoảng 300 tấn/ngày và phát điện tối đa 12 MW, địa phương và Nhà đầu tư kỳ vọng Nhà máy sẽ góp phần bảo vệ môi trường, bổ sung nguồn điện lên lưới quốc gia. Dự án đã được tỉnh Hậu Giang giao đất từ năm 2016, đến năm 2020 bắt đầu khởi công các hạng mục xây dựng hạ tầng, lắp đặt thiết bị, đấu nối và phát điện. Tuy nhiên, nhiều khó khăn phát sinh khiến Nhà đầu tư rất lúng túng trong hướng đi tiếp. Trong đó, nguồn rác đầu vào hiện không đảm bảo nhu cầu vận hành Nhà máy. Đồng thời, chi phí nguyên liệu tăng đột biến trong 2 năm qua khiến tổng mức đầu tư Dự án tăng rất nhiều so với dự toán.
Rồi dự án điện rác lớn nhất Việt Nam – Nhà máy điện rác Thiên Ý tại khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), các lò đốt 100% công suất, xử lý 4.000 tấn rác một ngày đêm dự kiến vào tháng 10/2022 sẽ đi vào hoạt động. Dự án này được khởi công từ tháng 8/2019 và phải mất hơn 3 năm mới đi vào hoạt động.
Theo báo cáo của Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý - chủ đầu tư Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, Dự án đã hoàn tất các thủ tục theo quy định để vận hành nhưng hiện vẫn trong tình trạng không có rác đầu vào. Khó khăn lớn nhất chính là sự thiếu đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, đặc biệt là phân loại rác.
Nhiều các dự án điện rác phải kể đến TP.HCM. Nhiều dự án nhà máy điện rác được đầu tư từ năm 2019 đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vướng thủ tục pháp lý. Cả 3 nhà máy gồm: Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Vietstar; Nhà máy Công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Cụm nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày của Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi hiện gặp khó trong việc xin bổ sung quy hoạch điện mới, cấp phép xây dựng,...
Ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vietstar, cho biết hiện công ty đã hoàn thiện lắp đặt và vận hành 3 dây chuyền phân loại rác, làm đường rộng 27m dẫn vào nhà máy đốt rác phát điện, san lấp mặt bằng 45.000m2, ký hợp đồng và trả tiền đặt cọc cho các thiết bị chính yếu nhập từ nước ngoài... "Chúng tôi sẵn sàng hết rồi nhưng quy hoạch điện VIII chưa được duyệt nên cứ đợi vậy, không biết tới khi nào. Máy móc để lâu không dùng thì sẽ có hư hao nhất định", ông Việt nói.
Theo bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án đốt rác phát điện hiện nay đa số triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP). Để triển khai thành công các dự án này, ngoài quyết tâm của nhà đầu tư, cần ý chí kiên định của mỗi địa phương để đồng hành cùng dự án. “Hợp đồng PPP cần chặt chẽ, phân chia rủi ro để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Một khi đã nằm trong các điều khoản của hợp đồng, chính quyền cần tuân thủ đảm bảo đầu vào (rác) để nhà đầu tư xử lý đúng quy mô, công suất. Chi phí đối với các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến như vậy là rất lớn, nếu không có sự đồng thuận, chung mục đích bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng sạch, rất khó để các nhà đầu tư quan tâm”, bà Lê nhấn mạnh.
Điện rác được xem là lĩnh vực khá hấp dẫn với các địa phương nhưng lại được đánh giá là “khó nhằn” với các nhà đầu tư. Không chỉ “một tiền gà, ba tiền thóc” mà cơ chế thu hút, vận hành,… các dự án nhà máy điện rác vẫn còn đang lúng túng ở các bộ ngành, địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Đầu tháng 6, nhà máy điện rác Sóc Sơn vận hành thử nghiệm
07:25, 14/05/2021
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Gỡ vướng cho công nghệ điện rác tại Việt Nam
11:49, 08/05/2021
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Cần cơ chế để tháo "nút thắt" cho doanh nghiệp điện rác
05:35, 20/02/2021
CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI TUẦN TỪ 25-30/5: Các giải pháp phát triển công nghệ điện rác tại Việt Nam
05:17, 30/05/2020