Doanh nghiệp vốn đang khốn đốn, ngành điện bỗng dưng tăng giá khiến sản xuất của các doanh nghiệp thép, đóng tàu, xi măng, vận tải,… chìm sâu trong cơn bĩ cực.
Đóng tàu…tắt điện
Ông Phùng Xuân Khôi, Phó TGĐ Cty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu cho biết, chi phí tiêu thụ điện là chi phí lớn nhất đối với doanh nghiệp, mỗi tháng trung bình đơn vị này tiêu tốn khoảng 1,2 tỷ đồng tiền điện. Từ cuối tháng 3/2019 khi ngành điện tăng hơn giá 8%, đóng tàu Nam Triệu phải “cõng” thêm khoảng 100 triệu tiền điện/tháng. “Ngành đóng tàu vốn đã sống dở, chết dở nhiều năm nay, giờ ngành điện lại tăng giá như vậy chẳng khác nào dồn các doanh nghiệp chúng tôi vào thế đường cùng” - ông Khôi bức xúc.
Đã vậy, Điện lực huyện Thủy Nguyên (Cty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng) lại “chơi” khó với khách hàng. Thay vì thu tiền hàng tháng, Công ty Đóng tàu Nam Triệu phải nộp tiền điện cứ 10 ngày/lần vì sợ bị…chạy làng. Nếu chậm nộp, chỉ vài ngày sau là bị Điện lực huyện Thủy Nguyên cắt điện tức khắc. Thậm chí, trước đây khi còn “ăn nên làm ra”, Công ty đóng tàu Nam Triệu bỏ tiền để đầu tư đường dây, trạm biến áp từ xã Ngũ Lão về tận Công ty với chiều dài khoảng 3km. Thế nhưng giờ đây doanh nghiệp này muốn trả lại cho Điện lực huyện Thủy Nguyên tiếp quản, vận hành, nhưng họ cũng không nhận. Do đó, hàng năm Công ty Đóng tàu Nam Triệu phải trả một khoản tiền thuê Điện lực Thủy Nguyên bảo quản, vận hành đoạn lưới điện này.
Giá điện tăng 8,36% thì chi phí sản xuất của các doanh nghiệp đóng tàu tăng khoảng 5 - 8%. Không chỉ tăng chi phí trực tiếp mà ngành đóng tàu còn phải chịu hàng loạt các chi phí khác. Cụ thể, ngành đóng tàu sử dụng nguyên liệu thép, trong khi ngành thép sử dụng nhiều năng lượng, trong đó có điện năng. Giá điện tăng thì giá thép nguyên liệu sẽ tăng, khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao.
Không chỉ tăng cao, mà giá điện tăng đột ngột khiến các doanh nghiệp không kịp phản ứng. Ông Đỗ Quang Dương – Công ty Cổ phần Đóng tàu Đại Dương cho biết, doanh nghiệp và khách hàng của công ty đều cảm thấy rất sốc vì đợt tăng giá này. "Nếu việc tăng giá có lộ trình, từ từ thì chúng tôi hay khách hàng cũng đỡ sốc hơn. Hiện Công ty có một số đơn hàng đã ký trước đó với đối tác nên chúng tôi đang tiến hành gửi báo giá mới điều chỉnh tăng 5%. Hy vọng mọi chuyện sẽ thuận lợi, bởi nếu không doanh nghiệp sẽ phải chịu thiệt hại. Chi phí sản xuất tăng nếu không cẩn thận sẽ mất hết khách hàng", ông Dương chia sẻ.
Doanh nghiệp mất sức cạnh tranh
Gần 10 năm trở lại đây, ngành thép cùng chung số phận với ngành đóng tàu. Cuộc thanh lọc ngành thép diễn ra khá khốc liệt khi chỉ những “ông lớn” đủ sức mạnh về tài chính mới trụ lại để cạnh tranh với thép ngoại. Khi doanh nghiệp nội đang phải gắng gượng để cạnh tranh với thép ngoại thì ngành điện tăng giá. Cú "knock-out" này khiến doanh nghiệp thép trong nước gần như kiệt sức trên đường đua.
Theo tính toán của các doanh nghiệp sản xuất phôi thép, trung bình 1 tấn phôi thép phải tiêu tốn khoảng 300KW điện. Như vậy với mức tăng vừa qua, giá điện sẽ đội giá thép khoảng 100 – 200 nghìn đồng/tấn, tùy từng sản phẩm. Mức tăng giá sắt thép được các doanh nghiệp thép điều chỉnh theo mức tăng giá điện. Cụ thể thép của Công ty Sản xuất thép Australia SSE (SSE Steel) tăng giá bán thép cây D10 thêm 100.000 đồng/tấn, đối với thép cây và thép cuộn tăng thêm 200.000 đồng/tấn; Cty CP Gang thép Thái Nguyên (Tisco) cũng nâng giá thép thành phẩm, trong đó thép thanh vằn D10 tăng 200.000 đồng/tấn, thép cuộn, D12 và D14 trở lên tăng 150.000 đồng/tấn; giá các sản phẩm thép xây dựng dự án các loại cũng tăng 150.000 đồng/tấn.
Với mức tăng như vậy, các doanh nghiệp thép nội đã mất dần sức cạnh tranh với thép nhập khẩu. Thế nhưng bản thân các doanh nghiệp nội cũng chẳng còn cách nào khác để tồn tại. Ngay cả “ông lớn” thép Hòa Phát cũng phải gồng mình áp dụng các giải pháp tiết kiệm. Theo lãnh đạo Công ty cổ phần thép Hòa Phát (Hải Dương), thép Hòa Phát tận dụng được nguồn nhiệt trong sản xuất tái tạo năng lượng tự dùng cho nên luôn tự chủ được 40% lượng điện phát ra, vì vậy so với các công ty khác cũng đỡ bị ảnh hưởng hơn.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 23/03/2019
10:08, 14/03/2019
11:08, 08/03/2019
Không chỉ riêng các doanh nghiệp thép mà các doanh nghiệp khai thác dịch vụ cảng biển cũng lao đao. Ông Cao Trung Ngoan - Quyền Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng cho rằng, ngành dịch vụ vận tải đang phải trải qua cú sốc kép từ tăng giá xăng dầu và tăng giá điện. Toàn bộ tuyến tiền phương của Cảng Hải Phòng sử dụng lượng điện năng rất lớn, mỗi tháng phải trả hàng chục tỷ đồng tiền điện. Nay giá điện tăng trên thực tế đến 15-30%, trong khi giá dịch vụ bốc xếp không thể tăng được, bởi sức cạnh tranh của các cảng Việt Nam đã đang yếu kém so với các nước trong khu vực. Do đó, lợi nhuận và thu nhập người lao động tất yếu sẽ giảm sút. "Việc tăng giá điện như hiện nay rõ ràng làm giảm sút sức cạnh tranh của nền kinh tế", ông Ngoan nhấn mạnh.
Tiết kiệm hết sức có thể
Cách phản ứng duy nhất có thể với việc tăng giá điện của các doanh nghiệp là… tiết kiệm hết sức có thể. Ông Vũ Thanh Tuyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thanh Tuyền Group Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết, nhà máy sản xuất gạch không nung của công ty tiêu tốn gần 3 tỷ đồng tiền điện mỗi năm. Công đoạn nào tiết kiệm điện được, công ty đều đã thực hiện. Thậm chí, điện trong văn phòng còn được quy định nhiệt độ ngoài trời đến ngưỡng nào mới được bật máy lạnh. Các công đoạn sản xuất đã được ứng dụng khoa học - kỹ thuật để đạt hiệu quả cao nhất.
“Trong suốt thời gian qua, mặc dù đã rất nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm, tuy nhiên thị trường vẫn chưa thực sự quan tâm đến sản phẩm gạch không nung, việc tiêu thụ đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí hàng năm công ty phải bù lỗ cho sản phẩm. Nếu giá điện tăng, chi phí sản xuất tăng theo sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Thị trường trong nước phải cạnh tranh nhau từng đồng, chỉ cần giá bán cao hơn 1-2 đồng là bị đối tác từ chối ngay, khó khăn sẽ càng chồng chất. Nhà nước hiểu rất rõ điều này nên cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chứ không phải tăng giá điện như thế này” – ông Tuyền cho biết.