Doanh nghiệp

Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Cần chính sách thu hút doanh nghiệp tư nhân

Thy Hằng 17/02/2025 16:14

Cần quan tâm, thu hút mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện lực thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai.

Ngày 17/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long chủ trì Hội thảo “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII) và Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược” nhằm hoàn thiện đề án trình Chính phủ.

Chiến lược phát triển năng lượng cần cân bằng giữa các khu vực bởi hiện trong khi miền Bắc thiếu điện, miền Trung lại thừa.
Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đã hoàn thiện Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Để có đầy đủ cơ sở trình, báo cáo Chính phủ về Đề án nêu trên, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đánh giá môi trường chiến lược.

Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 Chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đề án đã tuân thủ các văn kiện của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch tổng thể quốc gia, bám sát và tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước có liên quan.

Đánh về về các giải pháp để thu hút và huy động vốn đầu tư ngành điện, TS Nguyễn Mạnh Cường, Phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng cho rằng, cần hoàn thiện các cơ chế tài chính song phương, đa phương hiện có với các chính phủ, tổ chức/định chế tài chính quốc tế theo các cam kết hỗ trợ JETP, AZEC...các cơ chế huy động nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh trong nước và quốc tế... cho các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân.

Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện và kịp thời điều chỉnh đối với các quy định về sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn áp dụng đối với dự án điện năng lượng mới, dự án điện gió ngoài khơi.

“Đặc biệt, cần quan tâm, thu hút mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện lực thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho chính quyền địa phương giải quyết thủ tục hành chính. Sớm xây dựng cơ chế tài chính, giá truyền tải cho các dự án lưới truyền tải xã hội hóa nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng lưới điện”, TS Nguyễn Mạnh Cường nói.

Đặc biệt đi vào cơ chế cho từng lĩnh vực, ông Cường đề xuất xem xét cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà theo vùng (khu vực miền Bắc cần được hỗ trợ cao hơn). Xem xét cơ chế hỗ trợ đối với các dự án BESS quy mô lớn và các hệ thống tích trữ hộ gia đình để tăng khả năng điều chỉnh nguồn phân tán

TS Nguyễn Mạnh Cường cũng đề cập đến cơ chế chính sách về đầu tư nguồn điện LNG, sớm hoàn thiện xây dựng thị trường điện cạnh tranh đầy đủ. Trong giai đoạn chưa hoàn thiện được thị trường điện cạnh tranh, xem xét điều chỉnh biểu giá điện cho các Nhà máy nhiệt điện than than, khí để phù hợp và khuyến khích các nhà máy điện than, khí vận hành linh hoạt trong hệ thống tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo. Xem xét cơ chế thanh toán theo biểu giá 2 thành phần (thành phần công suất và thành phần điện năng)

Đi vào kiến nghị cụ thể, TS Nguyễn Mạnh Cường nêu, cần ban hành cơ chế ưu đãi để khuyến khích phát triển nguồn điện mặt trời, đặc biệt là tại miền Bắc. Cho phép bên thứ 3 đầu tư kinh doanh loại hình điện mặt trời mái nhà. miền Bắc cần có cơ chế ưu đãi trong đó có xét đến việc giảm chi phí truyền tải xa so với các miền còn lại do gần với trung tâm phụ tải nhưng có số giờ nắng thấp hơn.

“Điều chỉnh cơ chế khuyến khích phát triển và khung giá điện gió theo vùng, trong đó chú trọng cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại miền Bắc (đặc biệt là cơ chế giá ưu đãi hơn so với các miền khác), trong đó có xét đến yếu tố gần trung tâm phụ tải, chi phí truyền tải xa, đồng thời đảm bảo hài hòa về hiệu quả kinh tế, tài chính cho các nhà đầu tư”, TS Nguyễn Mạnh Cường nói.

Đồng thời cho rằng, cấp rút xây dựng đề án nghiên cứu phát triển tối ưu các tuyến đường dây truyền tải dài để cung cấp điện từ miền Trung, miền Nam ra trung tâm phụ tải miền Bắc trong đó xác định rõ tính khả thi về hành lang tuyến đường dây, công nghệ truyền tải, các vấn đề kỹ thuật và hiệu quả kinh tế tổng thể của hệ thống.

dien-1.jpg
Chuyên gia cho rằng cần quan tâm, thu hút mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển điện lực thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, đất đai.

Một vấn đề khác cũng được quan tâm tại Quy hoạch điện VIII là các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường trong quá trình phát triển điện lực, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phòng Môi trường và Phát triển bền vững, Viện Năng lượng cho biết, Viện đã nghiên cứu và đưa ra các mục tiêu quốc gia để bảo vệ môi trường, đặc biệt là tại các tỉnh và khu vực có ảnh hưởng từ quy hoạch điện điều chỉnh. Cụ thể, các mục tiêu này bao gồm việc giảm tỷ lệ chất độc hại trong không khí và nước, xử lý nước thải đạt chuẩn quốc gia, và cải thiện tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp.

Ngoài ra, bà Huyền cũng nhấn mạnh, các chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cần được đảm bảo, như việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng và nguồn nước. Bà cũng đề xuất những giải pháp công nghệ và quản lý liên quan đến xử lý nước thải, khí thải tại các nhà máy năng lượng, nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đồng thời, bà Huyền cho biết, trong quá trình thực hiện quy hoạch điện điều chỉnh, sẽ có các kịch bản phát triển nguồn điện tái tạo, như điện mặt trời, điện gió và điện hạt nhân. Các giải pháp này nhằm giảm áp lực lên tài nguyên đất, nước và nguyên liệu, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án điện hạt nhân mới cũng sẽ đòi hỏi một cơ chế đầu tư và chính sách thuận lợi để đáp ứng các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế về an toàn môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII: Cần chính sách thu hút doanh nghiệp tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO