Chuyên gia đề xuất chiến lược phát triển năng lượng cần cân bằng giữa các khu vực, giảm bớt áp lực truyền tải điện giữa các miền, tối ưu hóa nguồn lực và giảm áp lực về vốn.
Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân, các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Theo ông Ngô Tuấn Kiệt, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, nhấn mạnh rằng tình hình kinh tế và xã hội đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi phải điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII để đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ hơn. Theo ông Kiệt, quyết tâm của hệ thống chính trị, Quốc hội và Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn so với Quy hoạch Điện VIII là điểm mới quan trọng. Đặc biệt, quyết định tái khởi động hai dự án điện hạt nhân là bước đi mang tính chiến lược.
Ông Ngô Tuấn Kiệt đề cập tới sự mất cân đối trong phát triển kinh tế vùng miền. Theo đó, hiện miền Bắc và miền Nam vẫn là hai trung tâm kinh tế chủ yếu, trong khi miền Trung - dù sở hữu nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo - lại chưa được khai thác đúng mức.
Ông Ngô Tuấn Kiệt đề xuất nghiên cứu một kịch bản phát triển kinh tế miền Trung để giảm bớt áp lực truyền tải điện ra miền Bắc và miền Nam. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với hệ thống truyền tải mà còn tận dụng tối đa các nguồn năng lượng sẵn có tại chỗ.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, chiến lược phát triển năng lượng cần cân bằng giữa các khu vực. Trong khi miền Bắc thiếu điện, miền Trung lại thừa.
"Chúng ta nên tận dụng tiềm năng điện mặt trời ở miền Bắc. Đức có 96.000 MW điện mặt trời với chỉ 900 giờ nắng mỗi năm, trong khi miền Bắc Việt Nam có tới 1.200 giờ nắng", ông Tuấn dẫn chứng và khuyến nghị cần có chính sách phát triển hợp lý và phân bổ đầu tư đồng đều giữa các vùng để tối ưu hóa nguồn lực và giảm áp lực về vốn.
Ông Tuấn cho rằng, cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc.
Với giai đoạn 2031 - 2035, ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, việc giảm tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện là hợp lý, phù hợp với xu thế chuyển dịch sang kinh tế dịch vụ và giảm bớt các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng, cần đánh giá kỹ nhu cầu điện cho giao thông xanh, nhất là đường sắt cao tốc Bắc – Nam và hệ thống Metro.
Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã xác định mục tiêu đưa tăng trưởng kinh tế đạt mức tối thiểu 8% vào năm 2025, phấn đấu tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo. Đến năm 2030, Việt Nam phải hoàn thành mục tiêu phát triển quy mô gấp 2,5 - 3 lần công suất điện hiện tại, tiến tới quy mô gấp 5 - 7 lần vào năm 2050.
Để thực hiện các mục tiêu này, tăng trưởng năng lượng phải đồng bộ với quy mô kinh tế, đồng thời đáp ứng cam kết quốc tế về trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này đòi hỏi phải nhanh chóng điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, dù mới được phê duyệt vào năm 2023 để phù hợp với nhu cầu tăng trưởng mạnh và xu hướng chuyển dịch năng lượng sạch.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu những ý kiến về dự báo tăng trưởng, ở kịch bản cơ sở đề nghị phải điều chỉnh từ 45-50% so với Quy hoạch điện VIII.
Về nguồn, Bộ trưởng cho biết thống nhất phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo, tuy nhiên cũng phải tính đến tiềm năng và lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển.
Về thủy điện và thủy điện tích năng, Bộ trưởng đề nghị khai thác triệt để, tối đa nguồn này vì vừa là năng lượng sạch, vừa là nguồn điện nền.
Về điện sinh khối, Bộ trưởng lưu ý cần phải theo tiêu chí 15 MW/triệu dân. Ngoài ra, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp hay rác thải sinh hoạt phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới. Điện, khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng và điện hạt nhân.
Về truyền tải, Bộ trưởng đề nghị trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải áp dụng lưới điện thông minh và triển khai rộng rãi. Bên cạnh đó, truyền tải liên miền phải tính đến phương án cáp ngầm, kể cả ngầm trên bờ và ngầm dưới nước, dưới đáy đại dương.