Bất động sản

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia: Đảm bảo hiệu quả nguồn lực đất đai

Diệu Hoa 23/10/2024 05:00

Theo kế hoạch, sáng 23/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030.

bdaa399f191fcd41940e35.jpg
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia sẽ được điều chỉnh. Ảnh: DH

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 39/2021/QH15. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng đất ở nhiều địa phương hiện đã thay đổi so với chỉ tiêu được phân bổ. Vì vậy, một số chỉ tiêu sử dụng đất theo Nghị quyết trên không còn phù hợp thực tế. Nếu không được điều chỉnh, chỉ tiêu cũ sẽ giới hạn nhu cầu sử dụng một số loại đất, gây khó khăn triển khai dự án trọng điểm quốc gia.

Tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra đầu tháng 10, Chính phủ đã có tờ trình. Theo tờ trình của Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách về tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, trong đó có nhiều dự án nằm ngoài danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Hiện nay, Trung ương Đảng đã cho chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với quy mô sử dụng đất khoảng 10.827ha (theo dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8) dẫn đến làm tăng nhu cầu sử dụng đất cho các công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chủ yếu gồm:

Thứ nhất, điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: Nhóm đất nông nghiệp (đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (đất quốc phòng, đất an ninh).

Thứ hai, không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia. Việc tính toán, xác định 8 chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh lần này cần phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và địa phương. Trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

qnhn19-1724918947-1724919074-9255-1724920208.jpg
Chính phủ đề xuất tăng tỷ lệ đất quy hoạch dành cho giao thông.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ, trường hợp Quốc hội quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì có bao nhiêu quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia hoặc các quy hoạch khác liên quan phải thực hiện điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ và tác động của việc điều chỉnh. Đồng thời tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới, tại Long An, Cần Thơ, tỷ lệ đất trồng lúa rất lớn, tuy nhiên việc sử dụng chưa đạt hiệu quả cao. Một số địa phương được phân bổ tỷ lệ đất trồng lúa lớn nên không thể phát triển công nghiệp, gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Tới đề nghị Chính phủ nghiên cứu phân bổ đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và cân đối với Bắc Bộ, Trung Bộ và quy mô cả nước. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, việc quy hoạch đất trồng lúa phải kết hợp phát triển hợp lý về công nghiệp và các ngành khác.

Giải trình, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng sau khi có kết luận của Bộ Chính trị về đường sắt tốc độ cao, nhu cầu đất giao thông quốc gia sẽ tăng lên. "Không thể lấy từ đâu khác ngoài 3,5 triệu ha đất nông nghiệp và 15,6 triệu ha đất lâm nghiệp. Đã đến lúc chúng ta điều chỉnh chỉ tiêu và sử dụng đất hiệu quả", ông Hà nói, cho biết Chính phủ sẽ làm rõ quan điểm phân bổ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.

Trước đó, theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, Quốc hội quyết nghị giữ hơn 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030, trong đó 300.000 ha được chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến năm 2030, cả nước có 5,2 triệu ha đất rừng phòng hộ; 2,45 triệu ha đất rừng đặc dụng; 8,1 triệu ha đất rừng sản xuất; đất khu kinh tế 1,6 triệu ha; đất khu công nghệ cao 4.000 ha; đất đô thị 2,9 triệu ha.

Theo GS TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, quy hoạch sử dụng đất là tiền đề quan trọng để đảm bảo và nâng cao hiệu quả việc “vốn hóa đất đai” cũng như là động lực cho nền kinh tế phát triển trong giai đoạn tới.

"Tuy nhiên, một quy hoạch dù tốt đến đâu cũng chỉ khả thi khi tất cả các chủ thể liên quan đồng lòng thực hiện, vì mục tiêu chung, trong đó vai trò của những cơ quan đầu mối, có vai trò điều tiết như Chính phủ, Bộ TN&MT,… là hết sức cần thiết" - ông Võ khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia: Đảm bảo hiệu quả nguồn lực đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO