Năm 2016, Donald Trump sử dụng khẩu hiệu tranh cử “Make America great again” để chiến thắng “Strong together” của Hilary Clinton...
Zelensky - người đàn ông 41 tuổi, một nghệ sĩ hài đã trở thành tân Tổng thống Ukraine, đó không phải là câu chuyện cổ tích, vì người Ukraine đủ thấm thía nỗi đau từ lịch sử để chọn cho mình người cầm lái tương lai đất nước.
Dù là một nghệ sĩ, nhưng Zelensky không trở thành chính trị gia bằng nghệ thuật thuần túy. Ông biết người dân cần gì và tìm cách đáp ứng yêu cầu của họ, đó là công thức để đánh bại Poroshenko lão luyện trên chính trường.
“Chính trị” được từ điển mở Wiki định nghĩa: “Chính trị (tiếng Anhː Politics) là hoạt động trong lĩnh vực quan hệ giữa các giai cấp, cũng như các dân tộc và các quốc gia với vấn đề giành, giữ, tổ chức và sử dụng quyền lực nhà nước là sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước và xã hội, là hoạt động chính trị thực tiễn của giai cấp, các đảng phái chính trị, các nhà nước nhằm tìm kiếm những khả năng thực hiện đường lối và những mục tiêu đã đề ra nhằm thỏa mãn lợi ích”.
Liệu sự kiện Zelensky có thể làm đảo lộn mọi khái niệm về chính trị chăng? Nếu như thế, năm 2016 doanh nhân - tỷ phú D. Trump “nhảy cóc” vào chính trường rồi trở thành nguyên thủ quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là điều dễ chấp nhận hơn?
Có thể bạn quan tâm
Sự thất bại của bà Hilary Clinton trước Trump và ông Poroshenko trước Zelensky có cùng điểm chung: Họ không thể chiến thắng bằng kinh nghiệm lãnh đạo và “lý lịch” sáng rạng. Vì đơn giản, người dân không đặt cược vào họ.
Bác Hồ đúc kết rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Trước tai mắt nhân dân mọi “nghệ thuật tranh cử” chỉ là trò hề không hơn không kém, vì một nhẽ, không thứ gì qua được mắt người dân.
Lịch sử thế giới chưa bao giờ ghi nhận một trường hợp nào cho thấy “người dân lựa chọn sai tương lai chính mình”. Có chăng chỉ là ý muốn chủ quan của một nhóm người không thể đại diện cho nhân dân.
Hằng hà sa số bài báo bày tỏ sự hoài nghi về khả năng lãnh đạo đất nước của một nghệ sĩ hài, đó là sự lo lắng vô ích. Nếu Zelensky thật sự được 73% cử tri ủng hộ thì không một thế lực nào có thể ngáng đường. Và, nếu tân Tổng thống Ukraine vẫn giữ được lời hứa với dân chúng thì khái niệm “kinh nghiệm chính trường” không còn mấy tác dụng, ít nhất là với Zelensky!
Cho dù “Chính trị” là gì chăng nữa, nó phải được cụ thể hóa thành điều giản dị nhất, đó là cơm ăn, nước uống, việc làm, hạnh phúc, bình an…đối lập hoàn toàn với nói nhiều làm ít, nói mà không làm, đãi dân bằng “bánh vẽ”.
Zelensky có khả năng tác động đến tâm lý đám đông nhờ quan điểm chính trị đơn giản, sự hài hước gần gũi dễ mang lại niềm tin hơn những mỹ từ của chính trị gia lão luyện.
Chắc chắn một điều rằng, nếu Zelensky xuất hiện với phong thái “chính trị đậm đặc” thì Poroshenko là lựa chọn an toàn hơn nhiều.
Năm 2016, Trump sử dụng khẩu hiệu tranh cử “Make America great again” bên cạnh “Strong toghether” của Hilary. Trump chơi con bài “worldview” rất phổ biến trong marketing - nói những điều người Mỹ thích nghe. “Marketers must tell the truth” - Làm marketing cần nói sự thật.
Và sự thật ở đây là người Mỹ muốn họ lấy lại sự “vĩ đại” sau hai nhiệm kỳ khá ôn hoà và trầm lắng dưới thời Barak Obama. Điểm nhấn rất đắt trong “Make Americans great again” ở đây chính là từ “Again”. Vì sao lại đắt?
Vì Trump biết nhắc lại cho 300 triệu dân Mỹ biết rằng họ từng vĩ đại và không thể đánh mất sự vĩ đại ấy trong thế kỷ 21- đó là sự trở lại (Again) của một siêu cường.
Người dân Ukraine bây giờ không muốn nhìn thấy tham nhũng, muốn có việc làm, muốn tăng lương, muốn internet nhanh hơn, giao thông tốt hơn…đó là những quyền lợi cơ bản, mang tính phổ quát.
Vậy, chính trị thực chất là đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận nhân dân, thể hiện nguyện vọng của người dân trong quyền lực nhà nước. Bất cứ khi nào “chính trị gia” làm được điều này thì xã hội thịnh vượng.
Ngược lại, nhân danh chính trị để tư lợi hoặc tính toán cá nhân sẽ chuốc lấy thất bại không chỉ cho mình mà cả cộng đồng.