Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Mỹ và Triều Tiên đã thống nhất tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12/6 sắp tới.
Trong năm 2015, theo một cuộc thăm dò ý kiến về những vấn đề thế giới hàng năm của Gallup, chỉ có 9% người Mỹ có một cái nhìn thiện chí về Triều Tiên, trong khi 87% người Mỹ có một cái nhìn tiêu cực. Mỹ là một trong các quốc gia suy nghĩ thiếu tích cực nhất về Triều Tiên trên toàn thế giới.
Từ đối đầu căng thẳng ...
Mỹ và Triểu Tiên chưa có quan hệ ngoại giao chính thức. Kể từ chiến tranh Triều Tiên, Hoa Kỳ đã duy trì một lực lượng quân sự mạnh tại ở Hàn Quốc để "dè chừng" với Triều Tiên.
Với các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, có những lúc nồng ấm nhưng cũng có những giai đoạn đối đầu căng thẳng. Từ lâu, Mỹ đã có 3 mục tiêu chính trong cách tiếp cận của nước này đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên, trong đó mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kêu gọi việc xóa bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, thì ông Bush là một nhà lãnh đạo không ưa Triều Tiên. Chính quyền Bush phát hiện ra rằng, Triều Tiên đã bí mật phát triển một chương trình làm giàu uranium và điều này đã vi phạm tinh thần chung giữa hai nước trong thỏa thuận từ thời cựu Tổng thống Clinton.
Mặc dù năm 2007, chính ông Bush đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào chính quyền Triều Tiên và bước vào bàn đàm phán mới với Bình Nhưỡng. Nhưng rốt cuộc, Triều Tiên đã khước từ các đề nghị đàm phán này.
Khi ông Barack Obama lên nắm quyền, Triều Tiên tiếp tục quay trở lại chương trình phát triển hạt nhân. Khi đó, ông Kim Jong-un chính thức lên nắm quyền lãnh đạo và hoàn tất việc chế tạo các tên lửa hạt nhân, đánh chìm một tàu của Hàn Quốc và bắt đầu nã pháo vào đảo của Hàn Quốc.
Dù chính quyền cựu Tổng thống Obama vẫn kiên trì theo đuổi chính sách “kiên nhẫn chiến lược” và tránh trừng phạt trong suốt thời gian này, nhưng sau cuộc thử nghiệm hạt nhân năm 2016, cựu Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Rõ ràng Mỹ không và sẽ không bao giờ chấp nhận Triều Tiên như là một nước sở hữu hạt nhân”.
Về phần mình, ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã nhận thấy Triều Tiên là vấn đề cần giải quyết cấp bách bên cạnh khu vực Trung Đông và cho rằng Triều Tiên là một "đống hỗn độn" mà các đời Tổng thống tiền nhiệm trước đã để lại cho ông.
... đến đối thoại thượng đỉnh
Bà Suzanne DiMaggio, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu New American cho biết, Mỹ đã nhận thấy việc tăng cường gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt và bao vây cấm vận khó phát huy hiệu quả triệt để, Triều Tiên vẫn đứng vững và ngày càng đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc trong chương trình tên lửa và hạt nhân.
“Trước nguy cơ chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiến xa hơn nữa, có thể đe dọa an ninh Mỹ, ông Donald Trump đã chấp thuận đối thoại như một phương thức cuối cùng nhằm duy trì hòa bình trước khi mọi việc trở nên nguy hiểm”, bà Suzanne DiMaggio nhận định.
Mặc dù có những phát ngôn thay đổi liên tục trong vấn đề Triều Tiên, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Donald Trump là nhà lãnh đạo Mỹ đem lại những thay đổi rõ rệt trong quan hệ đối ngoại với Triều Tiên.
Về phía ông Kim Jong-un, việc đề nghị gặp ông Trump đã được xem là một bước đột phá lớn, sau khi Mỹ và Triều Tiên liên tục đe dọa lẫn nhau trong năm 2017. Ông Kim Jong - un được đánh giá có cách nhìn nhận cởi mở hơn và kết nối nhiều hơn về kinh tế, đặc biệt là với phương Tây và Mỹ. Những trải nghiệm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mang lại cho Triều Tiên những cơ hội mới trước khi bắt đầu cuộc đối thoại lịch sử với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh vẫn còn là một dấu hỏi lớn khiến thế giới phải hồi hộp chờ đợi.
Có rất nhiều lý do được đưa ra vì sao ông Kim Jong-un lại chấp nhận gặp gỡ Tổng thống Donald Trump. Theo GS William Brown, Trường Ngoại giao Georgetown, sau thất bại thương mại với Trung Quốc, nền kinh tế Triều Tiên cực kỳ dễ tổn thương.
"Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Bình Nhưỡng có lẽ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Những cấm vận thương mại liên tiếp của Liên Hợp Quốc và Mỹ đã thực sự có tác động đến nền kinh tế Triều Tiên. Ông Kim Jong - un đã nhận ra, có lẽ một giải pháp hòa bình sẽ mang lại một sự thay đổi tích cực và giảm bớt các cấm vận thương mại", GS William nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã khiến các cường quốc trên thế giới phải nhìn nhận Triều Tiên ở một vị thế khác. Do đó, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên tham gia liên tiếp các cuộc gặp thượng đỉnh cấp cao là bước khẳng Triều Tiên đã không còn ở vị thế yếu.
Vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo đã có cuộc gặp với ông Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, để bàn bạc về hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trên bàn tiệc thết đãi quan chức ngoại giao Mỹ, ông Kim Yong Chol đã đề cập tới quan hệ tốt đẹp hơn vào thời điểm hiện tại giữa Mỹ và Triều Tiên. Kết quả của chuyến thăm này là ba công dân Mỹ đã được Bình Nhưỡng trao trả tự do, cho thấy nỗ lực bày tỏ thiện chí của cả hai bên.
Đây là một tín hiệu khả quan, mặc dù sẽ chẳng ai biết được sẽ có những thay đổi bước ngoặt gì cho đến khi Hội nghị thực sự diễn ra tại Singapore.
Dù Mỹ và Triều Tiên đạt được thỏa thuận về hạt nhân, thì phải mất vài năm mới có thể hoàn thiện một hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.