Tổng thống Trump đã ký lệnh rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris lần thứ hai vào ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng.
Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai để rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris, một hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu, trong đó gần 200 quốc gia đã đồng ý hợp tác để hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu.
Sẽ mất khoảng một năm để việc rút lui này của Mỹ được chính thức hóa. Khi được ban hành, Mỹ sẽ cùng với Iran, Libya và Yemen trở thành những quốc gia duy nhất nằm ngoài thỏa thuận toàn cầu về khí hậu.
Động thái này đã làm tăng rủi ro đối với hành tinh, cũng như tác động tiêu cực đến khả năng thích ứng của nhân loại với khí hậu đang thay đổi, cùng chi phí ngày càng tăng của các thảm họa liên quan đến khí hậu. Trái đất đã vượt qua một ngưỡng quan trọng vào năm 2024 — mức nóng lên toàn cầu 1,5 độ C — mốc này đã được đề cập từ ngày Hiệp định Paris được thông qua.
Năm 2015, hơn 190 quốc gia đã họp tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Paris và phê duyệt Thỏa thuận Paris hay Hiệp định Khí hậu Paris, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, nhưng tốt nhất là ở mức 1,5 độ.
Các quốc gia đã chia rẽ về việc có nên đặt mục tiêu là 1,5 hay 2 độ. Tuy nhiên, các nhà khoa học về khí hậu đã thúc đẩy mục tiêu 1,5 độ C và cuối cùng đã được thêm vào văn bản như một lý tưởng chứ không phải là mục tiêu chính thức của thỏa thuận.
Nhưng kể từ đó, biến đổi khí hậu đã tăng tốc và hành tinh đang nóng lên với tốc độ mà ngay cả các nhà khoa học cũng không dự đoán được. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng thích ứng của thiên nhiên và nhân loại với sự nóng lên toàn cầu sẽ giảm đáng kể nếu hành tinh trải qua sự nóng lên liên tục trên 1,5 độ.
Mặc dù việc thông qua Thỏa thuận Paris là một bước quan trọng, nhưng thỏa thuận này không nêu rõ các quốc gia nên đạt được mục tiêu của mình như thế nào. Thỏa thuận này không mang tính ràng buộc; các quốc gia không có nghĩa vụ phải giảm ô nhiễm khí hậu theo luật pháp quốc tế. Các quốc gia đặt ra mục tiêu và phương pháp giảm ô nhiễm riêng để đạt được mục tiêu đó.
Chính quyền Biden đã đệ trình một mục tiêu mới đầy tham vọng thay mặt cho Hoa Kỳ vào tháng 12/2024, trong đó nêu rõ rằng quốc gia này sẽ cắt giảm ô nhiễm khí hậu tới 66% vào năm 2035 so với mức năm 2005.
Cựu Tổng thống Joe Biden khi đó cho biết ông Trump có ý định đưa Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris một lần nữa, vì vậy mục tiêu này là một tuyên bố mang tính biểu tượng về lộ trình mà nước này có thể đã đặt ra nếu người Mỹ bầu một Tổng thống thân thiện với khí hậu.
Những người ủng hộ khí hậu trên toàn thế giới cho biết mục tiêu này rất tham vọng. Bà Kate Larsen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu năng lượng và khí hậu quốc tế của Rhodium, cho biết: "Với ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, ông đã ra lệnh rút khỏi Thỏa thuận Paris một lần nữa khi ông tìm cách tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch của Hoa Kỳ. Điều này sẽ làm Mỹ lệch xa hơn mục tiêu khí hậu ban đầu".
Mặc dù vậy, các chuyên gia dự đoán, Mỹ có thể tái gia nhập Thỏa thuận Paris, nhưng điều đó có thể phụ thuộc vào những gì chính quyền Trump sẽ làm tiếp theo.
Một quan chức hàng đầu của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã nhắc lại rằng cánh cửa vẫn mở cho Thỏa thuận Paris. "Chúng tôi hoan nghênh sự tham gia mang tính xây dựng từ bất kỳ và tất cả các quốc gia", Simon Stiell, Thư ký điều hành về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, ông Stiell nhấn mạnh đến sự bùng nổ năng lượng sạch đang diễn ra trên toàn thế giới, trị giá 2 nghìn tỷ USD vào năm ngoái và đang tăng lên, đồng thời cảnh báo rằng các quốc gia không chấp nhận xu hướng này sẽ bị bỏ lại phía sau.
“Phớt lờ điều này chỉ khiến khối tài sản khổng lồ đó chảy vào các nền kinh tế đối thủ, trong khi các thảm họa khí hậu như hạn hán, cháy rừng và siêu bão ngày càng tồi tệ hơn, tàn phá tài sản và doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sản xuất lương thực toàn quốc, và gây lạm phát trên toàn cầu", ông Stiell nhận định.
Ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch dự kiến sẽ mở rộng hơn nữa trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump mặc dù Mỹ đã sản xuất được lượng dầu kỷ lục. Dưới thời ông Biden, đất nước này đã trở thành nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và năm ngoái đã chứng kiến kỷ lục 758 giấy phép khoan dầu khí được cấp.
Một ước tính trước khi ông Trump thắng cử vào tháng 11 năm ngoái đã tính toán rằng việc ông trở lại Nhà Trắng có thể làm tăng thêm 4 tỷ tấn khí thải của Mỹ vào năm 2030. Bà Gina McCarthy, cựu Quản trị viên EPA dưới thời Barack Obama, cho biết ông Trump đã "từ bỏ" trách nhiệm của mình đối với người dân Mỹ bằng cách rời khỏi hiệp định Paris.
"Mỹ phải tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế nếu chúng ta muốn có tiếng nói trong việc định hình cách hàng nghìn tỷ đô la đầu tư tài chính, chính sách và quyết định được đưa ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến con đường của nền kinh tế chúng ta và khả năng của thế giới trong việc chống lại biến đổi khí hậu", bà Gina McCarthy cho biết.