Chuyên gia cho rằng, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp, đồng thời liên kết sản xuất một cách mạnh mẽ theo chuỗi ngành hàng.
>>>Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Động lực từ xuất khẩu rau quả
5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 20,26 tỉ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu 13,15 tỷ USD, giảm 8,7%; xuất siêu 3,55 tỷ USD, giảm 21,1%. Tuy đã có dấu hiệu tích cực ở một số thị trường, tuy nhiên để hồi phục và về đích với mục tiêu 55 tỷ USD năm 2023 vẫn cần nhiều nỗ lực.
Không riêng nông nghiệp, bối cảnh khủng hoảng kinh tế nói chung cũng khiến nhiều ngành, lĩnh vực không có đơn hàng. Công nhân, người lao động chỉ làm một số buổi trong tháng hoặc một số buổi trong tuần, gây ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, kéo theo nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng giảm đi. Thêm vào đó là xung đột địa chính trị, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn ra trên quy mô toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, tiến bộ khoa học công nghệ là yếu tố quyết định giúp ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, cũng như đảm bảo mọi quy trình canh tác, chăm sóc, phòng bệnh đến sơ chế, đóng gói, chế biến.
Theo Thứ trưởng, ngành nông nghiệp đã tích cực hợp tác, liên kết chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào, cũng như chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công trình khoa học từ khối viện, trường ra ngoài sản xuất, giúp làm tăng sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp chịu ảnh hưởng của yếu tố thị trường, mùa vụ, kể cả dịch bệnh. Đó là lý do đưa Bộ NN-PTNT đến quyết định tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các buổi làm việc với địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, HTX để công tác điều hành sát thực tiễn.
“Một vấn đề nữa là hạ tầng nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Do đó, công tác tổ chức giải ngân vốn đầu tư công cũng là một yêu cầu rất cấp bách. Hiện Bộ NN&PTNT đã giải ngân được 27,62%, dự kiến hết tháng 6/2023 sẽ đạt 34 - 35%. Không thể không nhắc đến vai trò của truyền thông. Đây là năm thứ ba chúng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 13 và còn gần hai năm rưỡi nữa là phải về đích. Cho nên truyền thông cần tham gia, tạo sức mạnh tổng thể cho ngành nông nghiệp thực hiện được mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
>>>Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Củng cố, duy trì chờ… bứt phá
Đồng thời cho rằng, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái là cả quá trình chuyển đổi. Muốn làm được, chúng ta phải có những giải pháp căn cơ, đồng bộ, trong đó có chuyển đổi số, đồng thời chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ chuỗi đơn giá trị sang đa giá trị.
Bên cạnh những giải pháp về nội lực, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp nông nghiệp, làm sao để số lượng doanh nghiệp và quy mô các doanh nghiệp khu vực này phát triển, đồng thời liên kết sản xuất một cách mạnh mẽ theo chuỗi ngành hàng.
Cần phải coi những sự hợp tác đó như những "trung tâm", kéo theo sự tham gia của các trang trại, bà con nông dân để tập trung theo chuỗi và gắn kết thị trường. Dù vậy, tại khu vực nông nghiệp mới chỉ có khoảng 15.400 doanh nghiệp, với mức đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của toàn ngành.
“Xúc tiến đầu tư, vì thế có thể coi là xung lực cho ngành tăng tốc. Chúng ta phải thay đổi nếp nghĩ, rằng không phải khi có sản phẩm mới đi xúc tiến mà cần tính sẵn yêu cầu của thị trường. Trước khi xuất khẩu đi khu vực nào thì nắm chắc thị trường đó đòi hỏi công nghệ gì, tiêu chí và quy chuẩn gì. Khi biết rồi thì kêu gọi sự đồng hành của doanh nghiệp cùng địa phương và các Bộ, ban, ngành phối hợp đầu tư công nghệ cao, chuỗi khép kín từ giống, thức ăn dinh dưỡng, thú y, phòng bộ, xây dựng vùng an toàn sinh học”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Phùng Giang Hải, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục cũng cố và phát huy hơn nữa vai trò “kiến tạo” để tạo dựng một môi trường đủ thuận lợi cho phát triển sản xuất và kinh doanh nông sản. Những vấn đề về tiêu chuẩn, thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư… chỉ có thể được cải thiện với vai trò chủ đạo của Nhà nước.
“Với doanh nghiệp, vai trò “đầu tàu” dẫn dắt các chuỗi ngành hàng là chắc chắn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng khó có khả năng liên kết với các hộ gia đình nhỏ lẻ, do vậy vấn đề kinh tế tập thể, hợp tác sẽ cần được tiếp tục nghiên cứu phát triển. Với nông dân, phải thay đổi tư duy sản xuất, chuyển sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” chứ không chỉ là sản xuất nông nghiệp”, TS Phùng Giang Hải nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
04:11, 02/06/2023
04:10, 30/05/2023
14:08, 02/06/2023
02:55, 26/05/2023
12:59, 23/05/2023
15:08, 21/05/2023