Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều nhau trong quá trình định giá nhưng ngày 17/04 tới đây, Cty TNHH MTV TCty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) sẽ tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành IPO đối với VTVcab chậm nhất là đến ngày 30/06/2018, đồng thời VTV không phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp của VTVcab tại thời điểm 31/12/2015 đã được công bố.
Lo ngại khả năng thanh khoản
Với nguồn lực lớn từ Đài Truyền hình Việt Nam, VTVcab cùng với SCTV xác lập vị thế vượt trội so với các đơn vị cùng ngành. Đến nay, VTVcab đã cung cấp truyền hình số vệ tinh và dịch vụ truyền hình trực tuyến. VTVcab đang phát sóng 200 kênh truyền hình, trong đó có 70 kênh HD.
Tính hết năm tài chính 2016, Cty mẹ VTVcab ghi nhận 2.045 tỷ đồng doanh thu thuần và 68,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 11,3% và 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ năm 2014, hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống VTVCab không tăng trưởng, thậm chí lợi nhuận hợp nhất 2015 giảm so với 2014.
Chưa kể, tính đến cuối năm 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỷ đồng, chiếm đến 80% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.329 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 500 tỷ đồng khiến đơn vị kiểm toán lo ngại về khả năng thanh khoản của Cty.
Thẩm định lại định giá VTVCab
Sau khi kiểm toán kết quả tư vấn định giá, Kiểm toán Nhà nước xác định kết quả định giá theo phương pháp tài sản do CPA Việt Nam và VTVCab đề xuất còn chưa hợp lý. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước xác định tăng thêm giá trị doanh nghiệp là 279 tỷ đồng (tăng 6,9%) và giá trị vốn nhà nước tăng 278 tỷ đồng (tăng 11,6%) lên tương ứng là 4.235 tỷ đồng và 2.684 tỷ đồng.
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc định giá theo phương pháp tài sản do CPA Việt Nam thực hiện cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phương pháp này có một số hạn chế.
279 tỷ đồng là giá trị doanh nghiệp tăng thêm của VTVcab sau khi Kiểm toán Nhà nước thẩm định lại.
Cụ thể, đối với phương pháp so sánh giá trị thuê bao, CPA Việt Nam không khảo sát, thu thập dữ liệu về giá trị chuyển nhượng thuê bao phổ biến trên thị trường mà chỉ căn cứ vào giá thuê bao của VTVcab nhận chuyển nhượng theo hợp đồng gần nhất với thời điểm định giá.
Đối với phương pháp dòng tiền chiết khấu, CPA Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 127, trong đó các giả định được sử dụng để tính toán dựa trên Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2016-2021 được VTVcab cung cấp, mà không kiểm tra tính pháp lý, tính khả thi của Kế hoạch.
Cần kết hợp các phương pháp khác nhau
Kiểm toán Nhà nước đã sử dụng dữ liệu lợi nhuận quá khứ của VTVCab trên báo cáo tài chính các năm 2013 - 2015 đã được PwC kiểm toán để định giá lại theo phương pháp dòng tiền chiết khấu.
Theo đó, nếu điều chỉnh lại kết quả kinh doanh 2015, thì giá trị thực tế doanh nghiệp và giá trị thực tế vốn nhà nước của VTVCab tại thời điểm 31/12/2015 sẽ lần lượt là 7.900 tỷ và 6.350 tỷ đồng, tăng hơn 3.600 tỷ đồng so với phương pháp tài sản sau kiểm toán.
Như vậy ở phương pháp tài sản, chênh lệch giữa kết quả của Kiểm toán Nhà nước và CPA Việt Nam là không nhiều, trong khi ở phương pháp dòng tiền chiết khấu với các dữ kiện ban đầu khác nhau, Kiểm toán Nhà nước và CPA Việt Nam đã đưa ra những kết quả rất khác biệt.
Do vậy, việc áp dụng phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Do vậy, cần thiết sử dụng kết hợp nhiều cách tiếp cận với nhiều phương pháp định giá khác nhau để xác định giá trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ cả 3 yếu tố: tài sản hiện có, lợi thế kinh doanh và khả năng sinh lợi…
Thách thức duy trì thị phần Vốn điều lệ của VTVcab dự kiến sau đấu giá là 884 tỷ đồng. Lượng cổ phần đấu giá là 42,29 triệu cổ phiếu cổ phần, tương đương 47,8% vốn điều lệ dự kiến. Với mức giá khởi điểm lên đến 140.900 đồng/CP, VTVcab được định giá lên đến 12.376 tỷ đồng và lượng cổ phần đấu giá có trị giá xấp xỉ 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc chào bán công khai, VTVcab cũng đang tìm kiếm cổ đông chiến lược có lượng cổ phần đăng ký mua tối thiểu 10% vốn điều lệ của Cty. Cổ đông chiến lược phải đáp ứng được các tiêu chí: có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm; có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng; báo cáo tài chính được kiểm toán của 3 năm liên tiếp (2014, 2015, 2016) có lãi và không có lỗ lũy kế, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2016 tối thiểu 10% Hiện nay, thách thức lớn nhất của các hãng truyền hình truyền thống như VTVcab giữ được thị phần trong các năm tới chính là sự lớn mạnh không ngừng của các dịch vụ giải trí trực tuyến và di động. Thực tế, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng thiên về các ứng dụng trực tuyến hơn do quỹ thời gian ngày càng eo hẹp và hạ tầng viễn thông với các dịch vụ 3G, 4G ngày càng tốt hơn, mang lại nhiều thuận lợi cho người xem. Theo hãng nghiên cứu thị trường Q&Me, mặc dù tivi vẫn đang là công cụ giải trí phổ biến tại Việt Nam nhưng ngày càng nhiều người dùng Việt Nam dành nhiều thời gian hơn trên internet và các mạng xã hội như Facebook, các dịch vụ giải trí trực tuyến như Zing TV, YouTube. “Có tới 45% người được khảo sát trả lời rằng họ xem tivi ít hơn cách đây 1 năm”, báo cáo của Q&Me cho biết và nhận định, nếu xu thế internet ngày càng phổ biến hơn thì chắc chắn doanh thu của các hãng truyền hình như VTVcab sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. |