Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào rất nhiều vào việc khống chế dịch và cách chống dịch; triển khai đầu tư công và các gói hỗ trợ.
Chia sẻ tại Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Định vị lại Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu", chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế Việt Nam đặt trong bối cảnh biến động toàn cầu có một số điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất, kinh tế thế giới còn khá là bất ổn, khó lường. IMF mới đây cũng đã điều chỉnh lại dự báo với một số nước, trong đó có khu vực Đông Á do tình hình diễn biến dịch. Mặc dù phần lớn là xu thế hồi phục nhưng những khó khăn vẫn còn rất lớn.
Với kinh tế Việt Nam TS Thành cho rằng phụ thuộc vào rất nhiều vào việc khống chế dịch và cách chống dịch; triển khai đầu tư công và các gói hỗ trợ. “Phục hồi là rất khó khăn nhưng phải bám với đòi hỏi mới, dư địa sẵn có và bắt nhịp với xu thế phục hồi của thế giới” – TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Ông cho rằng, việc tận dụng FTA là rất quan trọng. Ví dụ 6 tháng đầu năm ngoái xuất khẩu sang EU ở con số âm nhưng nhờ FTA mà 6 tháng cuối năm 2020 và cả những tháng đầu năm nay tăng trưởng xuất khẩu sang EU khá là mạnh.
Thứ hai, kinh tế thế giới có những vấn đề lớn và Việt Nam phải nhìn về phía trước tức là phải gắn với các xu thế lớn của toàn cầu. “Không nên lẫn giữa những xu thế lớn với những cú sốc làm thay đổi các xu thế. Ví dụ câu chuyện COVID mặc dù rất ám ảnh nhưng nó là cú sốc. Định vị Việt Nam không chỉ đơn thuần là năng lực cạnh tranh và những cú sốc gần đây đang làm thay đổi mà cần phải gắn với các vấn đề mang nội hàm, ý nghĩa của xu thế lớn như vấn đề địa chính trị, chính sách của các nguyên thủ ở mỗi thời, vấn đề công nghệ, lối sống, đô thị hoá…” - ông cho biết.
Tất cả vấn đề này đều đang có những bất định và rủi ro cao nhưng không thể điều nào hiểu hết mới dám làm, hoặc không có rủi ro mới làm. Chắc chắn đây là thế giới rất khác. “Nếu theo nghĩa đó thì định vị lại nền kinh tế Việt Nam là câu chuyện rất lớn” – vị chuyên gia chia sẻ.
Thứ ba, liên quan tới cách tiếp cận năng lực cạnh tranh và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đồng ý việc tiếp cận, nhìn nhận vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu mà nhóm nghiên cứu VEPR tiếp cận nhưng ông cũng cảnh báo, cần chú ý tới cơ sở khoa học và tính đúng đắn cũng như hạn chế của các bộ chỉ số mà Việt Nam tiếp cận để có cách ứng xử phù hợp, hiệu quả.
Ví dụ như chỉ số RCA - Revealed. Comparative Advantage được nghiên cứu rất nhiều trong thương mại. Bộ Chỉ số này theo nghĩa nào đó thì tốt nhưng nếu chúng ta chỉ cần bỏ Samsung để đo năng lực cạnh tranh thì sẽ có đánh giá khác.
Về vấn đề năng lực cạnh tranh chúng ta không thể phủ nhận đã có rất nhiều cải thiện, được đánh giá cao. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những chỉ số rất khó cải thiện như chỉ số bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhỏ lẻ, chỉ số liên quan năng lực sáng tạo đổi mới. Theo TS Thành đây đều là những điểm đáng lưu ý và quan tâm trong tương lai.
Cuối cùng, liên quan quan tới chuỗi giá trị. Ông Thành phân tích, nói tới chuỗi giá trị của dệt may, da giày, thực phẩm thì do người mua chi phối; còn chuỗi giá trị công nghệ, điện tử… là do những sản xuất chi phối. Bởi vậy, cần phải có những phân tích đặc biệt vào những “ông lớn” - những người sẽ dẫn dắt của từng chuỗi, xem họ là ai và làm thế nào để học hỏi họ và vươn lên.
Về sự tiến triển của chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị TS Thành cho rằng, khu vực Đông Á vốn được xem là có những lợi thế như chi phí vận chuyển thấp, vị trí địa lý đắc địa, lợi thế từ các FTA… Sự tối ưu hoá các quy trình sản xuất, công nghệ số thì kéo theo sự dịch chuyển các chuyên gia và lao động có tay nghề cao.
Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, “cuộc chiến” giữa các nước lớn, ảnh hưởng của COVID còn đặt ra vấn đề về sự tin cậy với đối tác, các mặt hàng chiến lược, y tế, thiết yếu và công nghệ cốt lõi.
Vì vậy, ông Thành nhìn nhận định vị lại Việt Nam ở thời điểm này không chỉ là vượt qua những thách thức từ đại dịch COVID-19 mà còn phải bắt nhịp với các xu thế lớn của thế giới.
Có thể bạn quan tâm