Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho rằng việc tổ chức hoạt động du lịch cần đảm bảo hài hòa giữa ba trụ cột: môi trường, văn hóa và cộng đồng địa phương.
Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tập trung thúc đẩy xây dựng, đưa cộng đồng vào tham gia phát triển du lịch một cách bền vững. Các sản phẩm du lịch cộng đồng khai thác tài nguyên, thế mạnh, điểm hấp dẫn của địa phương như tài nguyên văn hóa, phong tục, tập quán,...
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt – CEO Aza Travel, du khách giờ đây không chỉ muốn ngắm cảnh đẹp, mà còn quan tâm đến việc chuyến đi của họ đem đến những giá trị tinh thần ra sao, được kết nối và tìm hiểu về con người của từng vùng đất, từng hành trình như thế nào,...
Do đó, cộng đồng đóng vai trò là “đại sứ” của điểm đến, giúp du khách hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống, lịch sử và lối sống của địa phương. Mỗi trải nghiệm “chạm đến trái tim” thông qua người dân bản địa sẽ đem đến sự gắn bó và hấp dẫn du khách quay trở lại hoặc giới thiệu điểm đến.
Ông Đạt chia sẻ từ kinh nghiệm phát triển du lịch ở nhiều nước, sự tham gia tích cực của người dân địa phương vào phát triển du lịch là cần thiết, bởi cộng đồng địa phương là nhân tố quyết định môi trường văn hóa, lối sống, bản sắc của điểm đến - những yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch.
Do đó, để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, việc phải bảo tồn, phát huy được những giá trị bản địa là vấn đề có tính quyết định. Ðiều này chỉ có thể thực hiện trên cơ sở người dân thật sự hiểu được giá trị của tài nguyên tự nhiên và nhân văn mình đang nắm giữ, được hưởng lợi từ khai thác du lịch gắn với các giá trị này và có ý thức gìn giữ, bảo vệ tài nguyên. Khi đó, việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng mới thật sự bền vững.
Cùng với xu hướng “phủ xanh” điểm đến, hành trình phát triển bền vững ngành du lịch không thể tách rời khỏi xu thế chuyển đổi xanh. Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết, hiện đã có một số doanh nghiệp đã triển khai hoạt động du lịch bền vững, hầu như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí xanh như: Tràng An - Ninh Bình; KDL sinh thái Thung Nham -Ninh Bình; Mũi Né Bay Resort - Bình Thuận; Furama Resort - Đà Nẵng,...
Tuy nhiên, ông Thắng phân tích, khi doanh nghiệp triển khai vẫn gặp một số khó khăn như: thiếu nhân sự chuyên môn và kinh phí đầu tư ban đầu, không dễ thay đổi thói quen vận hành cũ vì thế, để triển khai được cần sự đồng hành từ lãnh đạo đến nhân viên cộng đồng và du khách bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Nhận thức được những điểm yếu trên, CEO Aza Travel cho rằng, nhiều địa phương đã đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên và ứng xử văn minh trong cộng đồng tại các khu, điểm du lịch, chủ động liên hệ với các chuyên gia, trường đào tạo du lịch để tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch cho người dân địa phương.
Qua đó, khuyến khích cộng đồng tham gia vào việc xây dựng sản phẩm du lịch và đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe. Tăng cường tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức cho người dân về du lịch bền vững, như cách quản lý rác thải và bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia hoạt động bảo tồn như trồng rừng hoặc làm sạch bãi biển.
Các chuyên gia cùng đồng lòng rằng, yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam cần được đặt “nền móng” vào tốc độ triển khai các giải pháp ngay từ bây giờ. Để có thể thành công đòi hỏi sự hợp tác mạnh mẽ từ các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng, cũng như việc tạo ra cơ chế hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giải quyết các thách thức tồn tại.
Năm 2025 không chỉ đánh dấu sự phục hồi của du lịch Việt Nam sau khủng hoảng, mà còn mở ra một giai đoạn mới - giai đoạn của ứng dụng công nghệ, trải nghiệm và trách nhiệm được đặt lên hàng đầu. Những doanh nghiệp và địa phương nào nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, tích cực đổi mới, sẽ là những người đi đầu trong hành trình đưa du lịch Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới.