Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước gửi Thủ tướng về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, TCT, Vietnam Airlines là DN chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Đặc biệt là từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu, Châu Mỹ... Hãng đã phải dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Tình trạng ngừng bay, máy bay “nằm đất” dài ngày khiến gánh nặng chi phí phát sinh rất lớn.
Đối mặt nguy cơ cạn dòng tiền
Theo Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong quý 1/2020, doanh thu của Vietnam Airlines (VNA) ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và lỗ 2.383 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài thì năm 2020, doanh nghiệp ước đạt 38.140 tỷ đồng doanh thu, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch, ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Mặc dù có hơn 3.500 tỷ đồng tiền dự trữ hồi đầu năm nay, nhưng đến nay đã cạn kiệt tiền, khiến Vietnam Airlines phải vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dư nợ ngắn hạn đến ngày 20/3/2020 lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán bị tạm dừng, dòng tiền dự kiến bị thiếu hụt luỹ kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm nay.
Trước những áp lực về tài chính nêu trên, Vietnam Airlines cho biết nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho doanh nghiệp và các công ty con vay, ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỉ đồng.
Để đảm bảo khả năng thanh toán, Vietnam Airlines cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tổng số tiền 12.000 tỷ đồng và bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Trong các cuộc họp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoặc Bộ Giao thông Vận tải thời gian vừa qua, lãnh đạo Vietnam Airlines đều bày tỏ quan ngại khi dịch bệnh kéo dài và khẳng định doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn "khó khăn chưa từng có".
Vietnam Airlines cũng vừa công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự, bao gồm cả phi công. Đồng thời triển khai giảm lương toàn bộ nhân sự của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Tìm "ngách" để "lách"
Trong bối cảnh các đường bay chở hành khách bị tạm dừng hoặc cắt giảm, nhiều tàu bay không khai thác, Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không khác phải trải qua sự sụt giảm doanh thu ở mảng vận tải hành khách.
Trao đổi với DĐDN về những khó khăn của Vietnam Airlines, ông Hồ Quang Tuấn – Trưởng ban Tiếp thị hàng hóa Vietnam Airlines cho biết, đẩy mạnh vận tải hàng hóa là giải pháp góp phần bù đắp một phần doanh thu cho Vietnam Airlines. Cụ thể, từ ngày 12-31/3, Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 2.000 tấn hàng hóa, doanh thu đạt gần 3 triệu USD (tương đương 61,8 tỷ VNĐ).
Ước tính trong tháng 4, tổng doanh thu từ việc tăng chuyến chở hàng dự kiến đạt gần 14 triệu USD (tương đương 320 tỷ VNĐ). Tuy nhiên, phần doanh thu này cũng chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong việc hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.
“Ý nghĩa lớn nhất của việc đẩy mạnh vận tải hàng hóa trong giai đoạn này vẫn là góp phần đảm bảo thông thương; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế; duy trì việc làm cho người lao động tại các khu công nghiệp và nhà máy lớn, cũng như đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19”, ông Tuấn nói.
Vẫn theo ông Tuấn, Vietnam Airlines đang nghiên cứu để duy trì, tăng cường hoạt động vận chuyển hàng hóa từ nay đến cuối năm nhằm góp phần duy trì nền kinh tế, cải thiện đời sống xã hội, cũng như đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Hoạt động vận tải hành khách cũng sẽ sớm được khôi phục sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Chia sẻ về kế hoạch khai thác đội bay của Vietnam Airlines để vận chuyển hàng hoá, theo ông Tuấn, để duy trì vai trò “mạch máu” của nền kinh tế và trách nhiệm của Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines đang tăng cường khai thác các chuyến bay chở hàng hóa trong nước và quốc tế để góp phần đảm bảo thông thương; duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cụ thể, từ ngày 12 - 31/3, VNA đã triển khai 45 chuyến bay tăng chuyến chở hàng hóa từ Hà Nội, TP.HCM đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Malaysia. Các chuyến bay này đều được khai thác bằng máy bay thân rộng, với sản lượng hàng hóa đạt 20-25 tấn/chiều. Ông Tuấn cho biết, đây là các chuyến bay chở hàng thuần túy đầu tiên của VNA, không có hành khách, không có tiếp viên. Tổ lái được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ y tế cần thiết. Toàn bộ hầm hàng cũng được khử trùng ngay sau khi khai thác.
Ngoài ra, VNA còn vận chuyển hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 như khẩu trang y tế, trang phục bảo hộ, thiết bị, vật tư y tế. Mới đây, VNA đã vận chuyển miễn cước lô hàng hơn 3 tấn của Bệnh viện Chợ Rẫy gồm đồ bảo hộ và khẩu trang y tế từ TP.HCM ra Hà Nội; vận chuyển 10 máy thở do quỹ Temasek viện trợ từ Singapore về Việt Nam.
“Trong tháng 4/2020, VNA sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa, dự kiến khai thác khoảng 150 chuyến bay tăng chuyến chở hàng trong nước và hơn 130 chuyến bay tăng chuyến chở hàng đi quốc tế”, ông Tuấn nói.