Nằm trong hoạt động thường niên, ngày 29/9, đoàn công tác của VCCI do Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI – Phạm Tấn Công dẫn đầu đã có buổi thăm và làm việc tại tỉnh Tuyên Quang…
>> VCCI hỗ trợ DNNVV nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường
Tại chuyến công tác, đoàn công tác của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) do Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI – Phạm Tấn Công dẫn đầu đã có buổi làm việc làm việc với UBND tỉnh Tuyên Quang và Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang...
Tại buổi làm việc, thông báo tới đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kế hoạch nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong những tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng cao đứng thứ 1/11 tỉnh miền núi phía Bắc, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Năm 2022, mặc dù tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt và nỗ lực nhằm cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của Tuyên Quang đạt 62,86 điểm, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố; giảm 23 bậc so với năm 2021 và nằm trong số các tỉnh có điểm số thấp của cả nước.
Cùng với đó, VCCI lần đầu tiên công bố chỉ số PGI, kết quả tỉnh Tuyên Quang đạt 13,06 điểm, xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố và nằm trong số các tỉnh có điểm số thấp của cả nước.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Sơn, để tiếp tục đẩy mạnh công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao Chỉ số PCI và PGI năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh tỉnh Tuyên Quang với mục tiêu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo tất cả 10 chỉ số thành phần PCI năm 2023 của tỉnh phải có sự cải thiện so với năm 2022.
Đồng thời mong muốn nhận được sự giúp đỡ của VCCI để tỉnh tiếp tục có các giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện Chỉ số PCI năm 2023 và các năm tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công bày tỏ sự vui mừng về sự chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua, điều đó khẳng định, những đường lối, chính sách của tỉnh đúng hướng phù hợp với điều kiện của địa phương.
Đồng thời nhấn mạnh, PCI là phương pháp khoa học giúp lãnh đạo các địa phương có thêm công cụ quản trị, điều hành để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư. Với những vấn đề của Tuyên Quang, trong thời gian tới VCCI sẽ tiếp tục nghiên cứu các điều kiện phát triển kinh tế của Tuyên Quang để hỗ trợ tỉnh có thêm các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự cũng đã có những trao đổi, làm rõ các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn cải hiện môi trường đầu tư kinh doanh; đánh giá, phân tích điểm nghẽn làm giảm điểm các chỉ số thành phần của Tuyên Quang trong Bộ Chỉ số PCI và PGI.
Phát biểu tổng kết buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang khẳng định, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua Chỉ số PCI đã được tỉnh quan tâm thực hiện quyết liệt từ nhiều năm nay. Tỉnh luôn thể hiện quyết tâm chính trị nhằm cải thiện Chỉ số PCI, đối mặt với những khó khăn không lùi bước, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp…
“Tỉnh Tuyên Quang luôn coi VCCI là địa chỉ tin cậy, nơi cung cấp các giải pháp tư vấn kịp thời về quản trị và điều hành cho chính quyền địa phương. Mong muốn trong thời gian tới, VCCI tiếp tục dành sự quan tâm đối với tỉnh Tuyên Quang, giúp tỉnh các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của Hiệp hội thông báo kết quả hoạt động đến đoàn công tác của VCCI, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết, Hiệp hội hiện có 490 hội viên hoạt động tại 7 Hội doanh nghiệp cơ sở và 3 Câu lạc bộ doanh nhân.
Trong những năm qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang luôn được xem là mái nhà chung cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tích cực tham mưu với tỉnh giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề về chính sách phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đồng thời, kiến nghị giải quyết kịp thời các vấn đề về quy hoạch, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, thanh tra, kiểm tra, thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn sản xuất kinh doanh, lãi suất tín dụng… Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tham gia, xử lý và đề nghị cơ quan hữu quan giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong Hiệp hội.
“Từ năm 2015 đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện xây dựng và thực hiện khảo sát chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI); khảo sát DDCI trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm. Đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát”, ông Thập chia sẻ.
Đánh giá cao vai trò, hoạt động Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Phạm Tấn Công nhìn nhận, Hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò là tổ chức đại diện, cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, tập hợp phát triển doanh nghiệp hội viên.
Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, Hiệp hội cần tiếp tục chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh trên địa bàn.
“Hiệp hội cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; là cầu nối đoàn kết các doanh nghiệp hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong đó, tập trung thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững; hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hiệp hội cần chú trọng phát triển hội viên và nâng cao chất lượng hỗ trợ hội viên; tăng cường liên kết vùng và hợp tác với chính quyền trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển đội ngũ doanh nhân, xây dựng chuẩn mực bản sắc văn hoá kinh doanh riêng của Tuyên Quang”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.
Bên cạnh các hoạt động đã nêu, cùng ngày, đoàn công tác của VCCI do Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch VCCI – Phạm Tấn Công dẫn đầu cũng đã đến khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị Tiền bối cách mạng.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch VCCI: Xây dựng niềm tin của doanh nghiệp với môi trường kinh doanh
10:08, 20/09/2023
VCCI hỗ trợ DNNVV nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường
15:17, 19/09/2023
VCCI tổ chức đoàn xúc tiến thương mại và đầu tư tại Mỹ và Cuba
11:19, 15/09/2023
VCCI-HCM trao chứng nhận cho 33 doanh nghiệp Hội viên mới
16:42, 14/09/2023
VCCI Công bố và trao quyết định về công tác cán bộ
15:21, 11/09/2023