Khó đưa hàng qua Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là hàng nông sản vất vả tìm đầu ra.
>>>Tái ùn tắc nông sản biên giới: Doanh nghiệp xuất khẩu nhận "cú đấm bồi"
Hiện nay, giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, nhất là xăng dầu, giá cước vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Thế nhưng, giá nông sản xuất khẩu của Việt Nam lại quay đầu giảm mạnh.
Nguyên nhân do các mặt hàng nông sản đang đối mặt với cơn khủng hoảng về đầu ra. Trong đó, có nguyên nhân tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu xuất đi Trung Quốc kéo dài suốt thời gian qua. Ở đây, cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan để giải bài toán khó về đầu ra cho nông sản hiện nay.
Hiện hàng loạt mặt hàng trái cây tươi thường bán với giá cao do xuất khẩu tốt như: xoài, chuối, thanh long… đang rơi vào cảnh rớt giá, tồn hàng vì xuất khẩu gặp khó. Cụ thể, nông dân trồng xoài xuất khẩu đang như “ngồi trên lửa” vì giá xoài Đài Loan chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu thường đứng ở mức giá cao hiện chỉ còn 3-4 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nông dân trồng xoài đang lỗ nặng vì giá bán thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nguồn cung xoài Đài Loan còn khá dồi dào, nhiều nhà vườn xoài đến kỳ thu hoạch nhưng vẫn chưa tiêu thụ được do mặt hàng này chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, việc xuất khẩu đi Trung Quốc gặp khó khăn, việc tạm ngừng thông quan kéo dài khiến nguy cơ trái xoài xuất khẩu gặp cảnh tồn hàng, rớt giá.
Đây cũng là nỗi lo chung của nông dân trồng chuối xuất khẩu. Theo những doanh nghiệp (DN) đóng chuối xuất khẩu, hiện giá chuối xuất khẩu mua tại vườn của nông dân chỉ còn từ 4-5 ngàn đồng/kg, tiếp tục giảm từ 2-3 ngàn đồng/kg so với vài tuần trước đó. Khó khăn lớn nhất là chi phí vận chuyển tiếp tục thêm đợt tăng giá mới với mức tăng khá cao; xuất khẩu qua Trung Quốc vẫn nhỏ giọt với quá nhiều rủi ro khiến thương lái, DN xuất khẩu chỉ hoạt động cầm chừng. Trong khi đó, nhiều vườn chuối đã đến tuổi thu hoạch nhưng không tìm được thương lái thu mua.
Không riêng mặt hàng trái cây tươi, nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng đồng loạt giảm giá vì thị trường xuất khẩu gặp khó. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa xin giảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu từ 3,8 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD trong năm 2022 để phù hợp với tình hình thực tế.
Nguyên nhân là từ cuối năm 2021 đến nay, giá nhân điều xuất khẩu liện tục giảm và dự báo thời gian tới, tình hình xuất khẩu mặt hàng này vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Dự báo, nhiều mặt hàng khác như tiêu, cà phê… cũng sẽ gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Theo đó, giá tiêu, cà phê trong nước cũng giảm mạnh. Đặc biệt, giá tiêu nông dân bán tại vườn hiện chưa đến 79 ngàn đồng/kg, giảm gần 10 ngàn đồng/kg so với hồi đầu vụ
Ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - xác nhận: lượng thủy sản xuất qua Trung Quốc đang ở mức thấp, trong đó mặt hàng chính như cá tra, tôm... sản lượng giảm dần. Giờ không có kênh nào đi Trung Quốc ổn cả. Tại các khu vực bị phong tỏa, doanh nghiệp cho biết đang khó đưa hàng vào, thậm chí nếu người bán có hàng nhiễm COVID-19 sẽ bị đình chỉ xuất khẩu từ 1-8 tuần.
Trả lời trên Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - giám đốc Công ty Tín Thành Phát (Bình Thuận) - cho biết dù chuyên xuất khẩu thanh long nhưng đơn vị này vừa lỗ hơn 2 tỉ đồng vì phải bán đổ bán tháo 10 container thanh long (trị giá hơn 5 tỉ đồng) do xuất đi Trung Quốc không thành công.
Theo bà Nhàn, do thuyền viên nhiễm COVID-19 phải cách ly nên tàu không chạy, việc tìm tàu mới gặp khó, lô hàng vì thế đã nằm tại cảng hơn 20 ngày nên đành cầu cứu bạn hàng trong nước giải cứu với giá rẻ.
"Để giảm thiểu rủi ro, tôi đã phải tính toán giảm hơn phân nửa lượng thanh long xuất đi Trung Quốc, hiện trung bình chỉ còn 40 - 50 container/tháng, thậm chí tạm ngưng nếu thị trường khó khăn quá", bà Nhàn tính.
Bà Nguyễn Thị Ánh - giám đốc Công ty thủy sản Sông Tiền (Tiền Giang) - cũng cho biết do gặp khó vì COVID-19 nên lượng cá tra được xuất đi Trung Quốc thời gian qua giảm liên tục, hiện chỉ chiếm khoảng 10%, thậm chí có thời điểm không dám xuất.
Trong khi đó, đại diện một đơn vị xuất khẩu dưa hấu đi Trung Quốc cho biết bình thường chỉ cần 4-5 ngày là đã thông quan qua các cảng ở Trung Quốc nhưng hiện nay cần đến 15 ngày, thậm chí 20 - 30 ngày nếu hàng tồn quá nhiều.
"Trái cây đi container lạnh qua Trung Quốc thường có hạn sử dụng 25 - 35 ngày. Trong khi đó để đi đến tay người mua trong nội địa Trung Quốc, nhiều lô hàng mất 30 - 40 ngày tùy khu vực, dẫn đến không ít sản phẩm bị giảm chất lượng, hư hỏng", vị này thông tin.
Trả lời đại biểu về vấn đề ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân là do Trung Quốc áp dụng chính sách Zero COVID nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, là do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khi chính sách phía bạn thay đổi nên gặp khó.
Tại Nghị trường Quốc hội, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ Công Thương cho biết, đã nhiều lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khuyến nghị các địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, nếu cứ làm theo cách cũ “có gì làm nấy, có gì bán nấy” sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường.
Trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy". Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...
Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi, "thích ứng với thiên hạ", phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới.
Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 16 hiệp định đã có hiệu lực, gần đây nhất là hiệp định RCEP của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác. Hàng hóa của Việt Nam đã đến được trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, để hưởng được lợi ích của 16 Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sản phẩm hàng hóa cho chúng ta có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không thì lại là những câu hỏi không thể chỉ đặt ra với Bộ Công Thương mà phải đặt ra với các ban, ngành và với các doanh nghiệp và người sản xuất.
Trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất phải trả lời được câu hỏi sản xuất gì, bán đi đâu và bán cho ai, nhưng bây giờ chúng ta vẫn làm theo thói quen, làm theo tập quán là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần, đây là vấn đề khó. Vì vậy để nâng được năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài để tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới thì cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường.
Thứ hai, phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu thì nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên à hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa.
Có thể bạn quan tâm
Câu chuyện xuất khẩu nông sản: Nội lực của doanh nghiệp mới là quan trọng
10:00, 21/03/2022
Chiến lược sản xuất tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn, bế tắc
02:00, 17/03/2022
Nông sản Hà Tĩnh tìm đường… "xuất ngoại"
20:45, 11/03/2022
Xung đột Nga – Ucraine tác động thế nào đến xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam?
02:33, 05/03/2022