Doanh nghiệp bảo hiểm tìm phương án "bảo hiểm" trước thách thức thị trường

Nhóm nghiên cứu ĐH Thương Mại, ĐH Công nghiệp Hà Nội 24/09/2022 05:10

Để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp bảo hiểm cần lựa chọn chiến lược kinh doanh linh hoạt, phù hợp với biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế và ứng dụng công nghệ để tạo ra sự thay đổi.

>>Nên công khai thông tin chi trả quyền lợi bảo hiểm

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng của toàn xã hội. Đặc biệt là đại dịch bùng nổ và kéo dài khiến cho con người quan tâm đến sức khỏe, cũng như các vấn đề rủi ro nhiều hơn. Đây được coi là một tín hiệu tích cực của thị trường bảo hiểm.

Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong ngành bảo hiểm còn chưa được chú trọng, Insurtech vẫn đang trong giai đoạn hình thành sơ khai và chưa đạt được thành tựu đáng kể

Việc áp dụng công nghệ 4.0 trong ngành bảo hiểm còn chưa được chú trọng, Insurtech vẫn đang trong giai đoạn hình thành sơ khai và chưa đạt được thành tựu đáng kể

Bốn thách thức lớn

Mặc dù có rất nhiều cơ hội mở ra cho ngành trong giai đoạn này, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cũng phải đối mặt với khá nhiều thách thức, nổi bật lên 4 thách thức chính là: Cạnh tranh trong ngành càng gia tăng; Rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh; Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có hiểu biết rõ ràng về thị trường bảo hiểm; và Hạ tầng Công nghệ thông tin bất cập. Cụ thể:

Thứ nhất, thời gian qua, các doanh nghiệp bảo hiểm ở cả 2 khối bảo hiểm phi nhân thọ lẫn bảo hiểm nhân thọ đều liên tiếp rót thêm vốn điều lệ nhằm đẩy mạnh đầu tư vào tuyển dụng nhân sự, công nghệ và triển khai các dự án mở rộng thị trường, phát triển kênh phân phối, tăng dự phòng rủi ro theo quy định mới cũng như tăng năng lực bồi thường. Tuy vậy mức độ cạnh tranh toàn ngành ngày một gia tăng, đặc biệt là trong nhóm công ty Top 10 ngành bảo hiểm.

Ở mảng bảo hiểm nhân thọ, BaoViet Life vẫn là hãng có thị phần lớn nhất, chiếm 20,8% thị trường. Tiếp theo lần lượt là Manulife (19%), Prudential (16%), Dai-ichi Life (12,1%) và AIA (10,8%). Nhìn chung, trong 5 năm qua, những doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn là những cái tên quen thuộc nói trên. Tuy nhiên, thị phần của các công ty bảo hiểm nước ngoài đang tăng nhanh và dần chiếm lĩnh thị trường. Theo BSC, thị phần của Bao Viet Life đã giảm 6% trong 5 năm qua. Ngoài ra, thị phần của Prudential sụt mạnh 10,7% trong 5 năm qua xuống còn 16%. Ngược lại, thị phần của Manulife tăng vọt 6,9% lên 19%, AIA tăng 1,5% lên 10,8% và Dai-ichi Life tăng 1,6% lên 12,1%. Ngoài ra, đáng chú ý, một số công ty nhỏ bất ngờ tăng thị phần đáng kể 5 năm qua như FWD, MB Ageas, Sun Life, ...

Ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, 6 công ty bảo hiểm có thị phần lớn nhất là Bảo Việt, PVI, PTI, Bảo Minh, Pjico, MIC, chiếm khoảng 60% toàn thị trường. Thị phần của những doanh nghiệp này cũng có sự cạnh tranh gay gắt và xáo trộn mạnh 3 năm qua. Cụ thể, thị phần của Bảo Việt từ mức trên 20% năm 2018 hiện đã giảm xuống dưới 15%. Trong khi đó, thị phần của PTI, MIC tăng đáng kể trong 3 năm gần đây.

Bên cạnh sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp, trên thị trường cũng xuất hiện mặt tiêu cực do cạnh tranh “phi kỹ thuật” như chấp nhận giảm phí để giành thị phần bằng mọi giá cho dù thua lỗ, lôi kéo nhân sự từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia khi có áp lực doanh số,... có thể dẫn đến hệ lụy cho cơ quan quản lý, DNBH và khách hàng.

Thứ hai, đại dịch COVID-19 là minh chứng rõ nhất khi làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, hàng triệu người nhiễm bệnh, chưa kể đến số lượng người bị thất nghiệp và doanh nghiệp phải đóng cửa do suy thoái kinh tế. Điều này khiến cho cộng đồng DNBH ý thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của quản trị rủi ro và bảo hiểm.

Thứ ba, mặc dù bảo hiểm là ngành có tốc độ tăng trưởng cao so với các ngành khác nhưng các DNBH đang rất thiếu nhân sự chất lượng cao, từ quản lý cấp cao đến nhân viên bảo hiểm, đại lý.

Theo khảo sát chuyên gia trong ngành do Vietnam Report thực hiện tháng 6/2021, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện nay chưa có nhiều chuyên gia trong lĩnh bảo hiểm. Các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường còn khá đơn giản, chủ yếu là các sản phẩm được “đóng gói” từ hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trước đó, việc triển khai các sản phẩm mới theo xu hướng Insurtech (công nghệ bảo hiểm) mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm. Thêm vào đó, việc thiếu hụt nhân sự liên quan đến chuyển đổi số cũng là một bài toán nan giải đối với các DNBH hiện nay.

Trên thực tế, số lượng các trường đại học, học viện có chuyên ngành đào tạo về bảo hiểm không nhiều và việc đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm tại các trường đại học nhìn chung vẫn mang tính lý thuyết. Tỷ trọng sinh viên đúng chuyên ngành bảo hiểm chỉ chiếm khoảng 20-30% so với tổng số sinh viên mới ra trường được tuyển dụng vào doanh nghiệp. Nhìn vào chất lượng đào tạo cũng dễ nhận thấy khoảng cách tương đối lớn giữa kiến thức sinh viên được học ở trường đại học và công việc thực tế khi đi làm.

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bảo hiểm, nhiều doanh nghiệp đã “chữa cháy” bằng cách tuyển dụng nhân sự được học từ các chuyên ngành khác và đào tạo ngắn hạn kiến thức cơ bản về bảo hiểm. Điều này tiềm ẩn rủi ro không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho thị trường.

Thứ tư, cơ hội từ CMCN 4.0 là rất lớn nhưng ở Việt Nam, việc áp dụng công nghệ 4.0 trong ngành bảo hiểm còn chưa được chú trọng, Insurtech vẫn đang trong giai đoạn hình thành sơ khai và chưa đạt được thành tựu đáng kể.

Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đang chú trọng phát triển các ứng dụng công nghệ ở mức độ cơ bản nhất như: Xây dựng ứng dụng trên thiết bị thông minh (90,5%), Phân phối sản phẩm qua kênh bán hàng mới: trực tuyến, mạng xã hội (85,7%), công nghệ trả lời khách hàng tự động (chatbot) (42,9%), Triển khai phần mềm lõi bảo hiểm (28,6%), Phân phối sản phẩm qua website so sánh các sản phẩm bảo hiểm (23,8%)... Còn những sản phẩm đặc trưng của Insurtech như sản phẩm theo yêu cầu hay mô hình bảo hiểm ngang hàng (peer-to-peer insurance) hiện còn khá ít.

Nguyên nhân chính là do hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và nhu cầu của thị trường như rủi ro an ninh mạng... Sức mạnh lớn nhất của Insurtech chính là dữ liệu, tuy nhiên thông tin thị trường hiện còn bất đối xứng vì thế nếu muốn tận dụng những cơ hội từ CMCN 4.0 buộc ngành bảo hiểm cần đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

>>Doanh nghiệp ngành bảo hiểm phi nhân thọ “hụt hơi”

Cuộc chiến mới về thị phần

Cho đến nay, hầu hết các DNBH đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn “bình thường mới”. Trong cuộc chiến mới về thị phần bảo hiểm, sự thành công sẽ dành cho những ai tận dụng được sức mạnh của công nghệ, cũng như nắm bắt và chuyển mình tốt nhất với những xu hướng đó. Để làm được điều này, các DNBH cần chú trọng đến các chiến lược phát triển như nâng cao năng lực cạnh tranh trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.

Hiện nay, Bancassurance được dự báo là kênh tiềm năng với sự tăng trưởng mạnh mẽ, bùng nổ trong thời gian tới với những thương vụ hợp tác quy mô lớn và tỷ trọng trong tổng doanh thu tăng vọt. Ảnh: Quốc Tuấn

Hiện nay, Bancassurance được dự báo là kênh tiềm năng với sự tăng trưởng mạnh mẽ, bùng nổ trong thời gian tới với những thương vụ hợp tác quy mô lớn và tỷ trọng trong tổng doanh thu tăng vọt. Ảnh: Quốc Tuấn

Cùng với đó là đa dạng hóa các kênh phân phối, tăng cường chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ đại lý bảo hiểm, đồng thời phát huy việc áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào việc giới thiệu và bán các sản phẩm bảo hiểm, tăng cường sự minh bạch và khả năng tiếp cận các sản phẩm bảo hiểm của khách hàng.

Sau một thời gian phát triển với mô hình đại lý, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam bắt đầu chứng kiến sự hình thành của các kênh phân phối khác như Bancassurance (sự kết hợp giữa bảo hiểm và ngân hàng), Direct Marketing (marketing trực tiếp) hoặc Telemarketing (bán hàng qua điện thoại), Worksite (Bán chéo) ...

Trong số các kênh trên, Bancassurance được dự báo là kênh tiềm năng với sự tăng trưởng mạnh mẽ, bùng nổ trong thời gian tới với những thương vụ hợp tác quy mô lớn và tỷ trọng trong tổng doanh thu tăng vọt. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định, xu hướng phát triển bancassurance sẽ ngày càng nóng hơn và thu hút nhiều khoản đầu tư lớn.

Ngoài ra, các DNBH cần liên tục đổi mới, nghiên cứu các sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của thị trường. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay có khoảng 2.894 sản phẩm bảo hiểm cá nhân và phi nhân thọ thuộc tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm tại Việt Nam. Như vậy có thể thấy thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện đã có rất nhiều sản phẩm, nhưng những sản phẩm mới và thực sự khác biệt cho các thị trường ngách lại không nhiều. Cùng với sự biến động khó lường của thị trường sẽ khiến các sản phẩm từng coi là sản phẩm chủ chốt chiếm gần 60% trên tổng doanh thu phí các nghiệp vụ bảo hiểm hụt hơi, thì sự cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc dễ bán nhất (bảo hiểm bắt buộc) khiến cho các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm ở phân đoạn thị trường này gặp nhiều khó khăn.

Chính vì thế, việc đa dạng sản phẩm, đặc biệt là phát triển các sản phẩm mang tính chất riêng biệt, đặc thù chắc chắn sẽ không còn nằm trong chiến lược dài hạn, mà sẽ là câu chuyện phải thực hiện sớm. Tất nhiên, việc cho ra đời một sản phẩm bảo hiểm mới sẽ luôn có những thách thức. Để phát triển một sản phẩm mới, các công ty bảo hiểm sẽ nghiên cứu các mô hình và sản phẩm bảo hiểm mới trên thế giới nhằm xem xét tính khả thi khi ứng tại Việt Nam. Sau khi xây dựng xong sản phẩm mới, các công ty bảo hiểm sẽ xây dựng kịch bản và mô hình bán phù hợp với nhóm đối tượng khách hàng mà sản phẩm hướng đến.

Tuy nhiên, điều cần đặc biệt quan tâm đó là phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các DNBH cần chú trọng trong công tác tuyển dụng, đào tạo và sử dụng đại lý. Hầu hết cán bộ của DNBH chưa có văn bằng đào tạo bảo hiểm, mà chỉ qua các lớp tập huấn, đào tạo ngắn ngày theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

Như vậy, để nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức thành công, các DNBH cần lựa chọn những chiến lược kinh doanh linh hoạt, phù hợp với những biến đổi nhanh chóng của nền kinh tế, đặc biệt là ứng dụng những thành tựu công nghệ để tạo ra sự thay đổi về chất, cũng như sự phát triển mang tính chất đột phá trong lĩnh vực bảo hiểm.

Có thể bạn quan tâm

  • Nên công khai thông tin chi trả quyền lợi bảo hiểm

    05:30, 22/09/2022

  • Doanh nghiệp ngành bảo hiểm phi nhân thọ “hụt hơi”

    05:15, 12/09/2022

  • VNI ra mắt công ty Bảo hiểm Hàng không Kỹ thuật số

    16:43, 09/09/2022

  • BAC A BANK và MB Ageas Life phân phối sản phẩm bảo hiểm dành cho khách hàng cá nhân

    08:00, 09/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp bảo hiểm tìm phương án "bảo hiểm" trước thách thức thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO