“Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ, không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo rõ khi kết luận tại hội nghị trực tuyến về gỡ khó cho thị trường bất động sản diễn ra mới đây.
>>Xáo trộn cấp “sổ đỏ” theo dự thảo Luật Đất đai
Như vậy, Thủ tướng đã nói rõ: Bất động sản bình đẳng với các ngành khác, không có chuyện “ai giải cứu ai ở đây”, các anh phải tự cứu lấy các anh. Cho dù dư nợ nền kinh tế thì bất động sản chiếm tới 21% còn 1.500 ngành khác chiếm 79% và ngành bất động sản là đối tác quan trọng của các ngành liên quan như xây dựng, thiết kế, vật liệu xây dựng, vận tải, nội thất….
Có một thực tế là từ khoảng 20 năm trở lại đây, bất cứ ai có tiền dư đều có tâm lý “làm mảnh đất để đấy cho nó chắc” và luôn ngại nếu đất giảm giá.
Tầng lớp trung lưu, thượng lưu chiếm thiểu số, nhưng lại sở hữu số đất đai nhiều hơn phần dân số còn lại, nên tầng lớp này luôn muốn được giải cứu bất động sản nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản của mình. Mà tầng lớp này lại có tiếng nói, là đối tượng cung cấp, đề xuất giải pháp, nên họ sẽ hô hào xin giải cứu. Họ dự báo: Nếu không giải cứu sẽ gây bất ổn, sụp đổ một số ngành nghề, gây áp lực cho chính sách điều hành của Chính phủ.
Thời điểm hiện nay, tiền nằm chết trong bất động sản, chứng khoán quá nhiều do mấy năm dịch bệnh Covid-19 làm sản xuất bị đình trệ, dòng tiền tháo chạy vào hai kênh nói trên và giờ rút ra không kịp khi kinh tế chưa kịp hồi phục thì cuộc chiến Nga - Ukraine làm giá lương thực, năng lượng tăng cao gây lạm phát…, bắt buộc các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất cho vay, gây áp lực tới các doanh nghiệp vay nợ nhiều đầu tư cho bất động sản.
Công cuộc chống tham nhũng được làm quyết liệt, dẫn đến tâm lý ngại không dám làm do sợ sai. Các gói đầu tư công giải ngân chậm chạp khiến kinh tế vĩ mô chảy chậm chạp, không làm đầu tàu kéo các ngành liên quan tăng tốc được. Dân lo ngại các thay đổi về Luật Đất đai, không mạo hiểm vay ngân hàng lãi cao để mua bất động sản tại thời điểm này, mà chờ đợi kiểu giữ tiền cho chắc.
>>“Giải cứu” khẩn cấp nhà ở xã hội
>>Vực dậy thị trường bất động sản
>>Giải pháp đồng bộ tái cấu trúc thị trường bất động sản
Để đảm bảo lợi ích cục bộ, các doanh nghiệp bất động sản cũng như giới đầu tư hô hào giải cứu, thực chất mong xuất ngân sách để cứu thiểu số. Những luận điệu dự báo về khủng hoảng kinh tế, vỡ nợ dây chuyền gây hoang mang dư luận, gây sức ép lên Chính phủ giống như “ăn vạ”, còn lúc lãi cao thì im ỉm đi. Số ít đó chỉ nhăm nhăm đầu tư vào các khu đô thị cao cấp, bán dự án, biệt thự để có lãi cao và ngay. Còn món nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp thì lãi ít thu lâu thì cứ lờ đi cho dù khối này mới là khối có nhu cầu thật.
Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu vô tội vạ khi không có bảo lãnh ngân hàng, không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, để bây giờ đến lúc đáo hạn thì khất nợ, né lãi. Nhà đầu tư thì chỉ nghe nhân viên ngân hàng tư vấn lợi ích, phần rủi ro thì lờ đi để bây giờ khóc dở, mếu dở, khi cần mà không rút được tiền. Nguy cơ xung đột kiện cáo, thậm chí va chạm giữa nhà đầu tư với đội môi giới trái phiếu là nguy cơ thật và rất cao.
Luật thì mới còn dự thảo mà dân tình đã bàn tán xôn xao, vì sau luật còn dắt dây theo hàng mớ thông tư, nghị định, hướng dẫn. Có ra được luật thì thủ tục hành chính cũng chưa thông ngay được, doanh nghiệp và người dân sẽ lại phải chờ, thì đương nhiên thị trường sẽ đóng băng. Lãi suất cho vay thì cao, chờ ngày nào chết ngày ấy, trong khi không ra được hàng, không bán được sản phẩm thì doanh nghiệp bất động sản làm sao có khả năng đáo nợ ngân hàng chứ đừng nói đến thanh toán trái phiếu đến hạn.
Vậy các doanh nghiệp bất động sản phải tự “cắt máu” mà cứu lấy mình, tự bán tài sản cá nhân thu lợi được khi lãi mà bù vào để tồn tại, hạ giá sản phẩm tới mức người dân có thể mua được. Còn không, các cá nhân chịu trách nhiệm quan trọng thu lợi nhiều khi làm ăn được rồi, giờ phải bị phát mại đền bù cho nhà đầu tư trái phiếu. Không thanh toán được thì bản thân phải vào tù nếu để doanh nghiệp phá sản. Mà tại sao đến giờ chỉ thấy sóng bất động sản lên chứ chưa thấy sóng xuống, sóng hạ giá đất nền, căn hộ để người dân có nhu cầu chỗ ở thực sự có chỗ an cư.
Chỉ hạ lãi suất không là chưa đủ, vì ngân hàng không mạo hiểm cho các doanh nghiệp yếu kém vay tiếp. Có hạ dân vẫn chờ luật chứ chưa vay mua nhà. Trong cái rủi có cái may, doanh nghiệp nào có thực lực trụ qua được khó khăn sẽ có được niềm tin của khách hàng và sẽ lớn mạnh. Doanh nghiệp nào làm ăn chụp giật sẽ phải trả giá.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 19/02/2023
01:03, 19/02/2023
00:10, 19/02/2023
11:30, 18/02/2023
01:00, 18/02/2023