Vừa sản xuất 3 tháng đã phải dừng hoạt động vì ô nhiễm môi trường, liệu có phải do quy trình cấp phép quá dễ dàng hay lỗi của doanh nghiệp?
Nhận được phản ánh về việc hoạt động đúc nhôm của mình gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh, xưởng sản xuất đúc nhôm của Công ty CP Cơ khí Đúc gang Thanh Sơn (Công ty Thanh Sơn) đã cam kết dừng mọi hoạt động sản xuất ngay trong tháng 8/2019.
Hợp đồng vừa ký chưa ráo mực
Theo nhiều người dân ở khu dân cư số 9, làng nghề đúc xã Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, xưởng sản xuất đúc nhôm của ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc Công ty Thanh Sơn mới hoạt động từ tháng 5/2019 đến nay. Trong quá trình sản xuất, xưởng này gây khói lúc màu trắng, lúc màu nâu khiến nhiều người thấy tức ngực, khó thở, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực.
Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Thanh cho biết: Ngành nghề chính của Công ty là đúc gang và gia công cơ khí. Tháng 5/2019, doanh nghiệp này kí hợp đồng sản xuất thêm phần gia công nhôm phế liệu cho đối tác nước ngoài. Vì vậy, Công ty đã cải tạo kho để nguyên liệu thành xưởng nấu – cô nhôm với diện tích khoảng 250m2. Hợp đồng này có giá trị trong vòng 3 tháng, tuy nhiên khi sản xuất được hơn 1 tháng thì “vấp” phải ý kiến phản đối của người dân xung quanh.
Nguyên liệu để nấu nhôm của doanh nghiệp này là những đồ chơi bị lỗi được phía Công ty mua về để nấu lại. Tuy nhiên, trong quá trình gia công, những sản phẩm này do được sơn tĩnh điện nên khi nấu lại đã có mùi hóa chất khó chịu - mùi sơn, gây bức xúc trong khu dân cư.
“Chúng tôi đã cố gắng hạn chế gây ảnh hưởng ở mức thấp nhất đến không khí xung quanh. Trước khi khói thải ra ngoài được xử lý qua hệ thống xử lý khí thải do Công ty tự lắp đặt. Làng nghề đúc truyền thống, chúng tôi có thể đúc nhiều thứ như gang, đồng, thép, nhôm... Tuy nhiên, quá trình sản xuất của doanh nghiệp để bà con trong khu bức xúc, tôi sẽ đóng cửa xưởng. Hợp đồng tôi ký với đối tác có giá trị 3 tháng, ngày 31/8/2019 hết hợp đồng, tôi sẽ dừng hoạt động...”, ông Thanh cam kết.
Có thể bạn quan tâm
17:30, 29/08/2019
14:10, 08/08/2019
17:52, 05/07/2019
06:43, 02/07/2019
Doanh nghiệp chỉ còn cách hợp tác... dừng sản xuất
Ông Lê Văn Qúy – Phó Chủ tịch xã Mỹ Đồng cho biết, ngày 9/8, người dân tại khu 9 làng nghề Mỹ Đồng có đưa thông tin lên mạng xã hội phản ánh việc ô nhiễm tại xưởng nấu nhôm của ông Thanh. Từ thông tin trên mạng internet, đại diện UBND xã đã xuống kiểm tra, đề nghị ông Thanh cùng người dân đến chiều ngày 13/8 có mặt tại UBND xã để làm việc, cung cấp hồ sơ liên quan đến xưởng sản xuất này.
“UBND xã đã giao cho lãnh đạo thôn triệu tập cuộc họp giữa người dân và chủ xưởng sản xuất – ông Nguyễn Văn Thanh. Trong buổi làm việc, ông Thanh có thái độ hợp tác. UBND xã và người dân đã đồng ý cho thời hạn để doanh nghiệp thu xếp. Tuy nhiên, ông Thanh phải đảm bảo trong quá trình sản xuất chấp hành tốt về môi trường, giữ an ninh trật tự tại địa bàn”. Ông Qúy cho biết thêm.
Dù doanh nghiệp đã cam kết dừng hoạt động, chấp nhận chịu thiệt về kinh tế vì ý thức trách nhiệm. Nhưng ở đây cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, bởi trước khi đồng ý cho doanh nghiệp chấm dứt sản xuất, địa phương này không hề có hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá tác động cụ thể. Doanh nghiệp sai liệu chính quyền đã đúng?