Ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu quý 3 từ thị trường bưu chính ước đạt 5.000 tỷ đồng, giảm 50% so với quý 2; lũy kế 9 tháng đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ.
Đây là thông tin được đưa ra từ dự thảo báo cáo đánh giá công tác quản lý nhà nước quý 3 và nhiệm vụ quý 4/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cũng theo báo cáo này, tính đến quý 3/2021, toàn thị trường có 650 doanh nghiệp bưu chính hoạt động. Sản lượng bưu gửi quý 3 ước 158 triệu (giảm 50% so với quý 2/2021), lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 790 triệu bưu gửi (tương đương cùng kỳ). Sản lượng bưu chính KT1 (dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát các bưu gửi gồm: Thư, gói, kiện tài liệu; tài liệu,…) quý 3/2021 (tính đến 21/9) đạt: 270.894 bưu gửi, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù đà sụt giảm chậm lại trong tháng 9, song vào tháng 8, doanh thu các doanh nghiệp bưu chính giảm trên 40% so với tháng 7, cụ thể như: Giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh, Thuận Phong, J&T, NinjaVan,...
Trong hai tháng 7 - 8, các doanh nghiệp bưu chính đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Tình trạng chung đối với các doanh nghiệp này là các bưu cục/kho hàng trong khu vực cách ly, phong tỏa buộc phải đóng cửa; lực lượng bưu tá giảm sút do thuộc đối tượng F0, F1, F2 hoặc sinh sống trong khu cách ly.
Mặc dù các doanh nghiệp có giải pháp tuyển dụng bưu tá mới để bù đắp số lượng thiếu hụt nhưng phương án này không khả thi bởi không được cấp mã QR để hoạt động. Mặt khác, chi phí xét nghiệm PCR cho bưu tá khi đi giao nhận, chuyển phát hàng phát sinh chi phí lớn. Điều này tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp bưu chính;…
Trong giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt ở 1 số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… các doanh nghiệp bưu chính lớn tập trung tham gia vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các điểm phục vụ bưu chính hoặc qua hình thức lưu động cho người dân ở các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Đồng thời, các doanh nghiệp bưu chính lớn cũng tham gia xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp khu vực phía Nam đến vụ thu hoạch thông qua sàn thương mại điện tử.
Nhằm chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 17/8-15/9/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng sự đóng góp của các doanh nghiệp như Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel, Viettel Post, Tập đoàn T&T,… thực hiện Chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” với tổng kinh phí 160 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bưu chính lớn cũng thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chương trình Chung tay vì cộng đồng, cung cấp lương thực miễn phí cho người dân tại một số tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn các xã hội. Tính đến ngày 18/8/2021, 1.239 tấn lương thực (trị giá hơn 29,5 tỷ đồng) đã được phát đến gần 661.000 người dân khu vực phía Nam.
Có thể bạn quan tâm
Giao hàng linh hoạt tại “vùng xanh”, doanh nghiệp bưu chính đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa
14:07, 13/08/2021
Các đại gia chuyển phát Trung Quốc giảm lợi nhuận, doanh nghiệp bưu chính Việt Nam vẫn báo lãi ròng tăng
19:39, 09/05/2021
Giải pháp “gỡ khó” cho doanh nghiệp bưu chính
04:00, 03/12/2020
Thị trường hấp dẫn, cạnh tranh cao, doanh nghiệp bưu chính nỗ lực phòng ngừa rủi ro
04:50, 29/11/2020