Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ khó tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi COVID-19.
COVID-19 xuất hiện làm chao đảo nhiều nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Để khắc phục hậu quả từ dịch COVID-19, nhiều chính sách đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn. Chính phủ cũng đẩy mạnh các chương trình giải ngân vốn đầu tư công, tạo cú hích cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020.
Đánh giá về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ này tại Đối thoại tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua COVID-19 do VCCI tổ chức mới đây, bà Phạm Thị Hồng Thuỷ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng nhiều chính sách của Chính phủ được ban hành kịp thời đã mang lại hiệu quả tích cực cho các doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề bất cập khi tiếp cận chính sách.
Cụ thể như đối với lĩnh vực hỗ trợ người lao động, phần lớn doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm với doanh nghiệp như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp… Các điều kiện kèm theo đó quá khó và chặt chẽ, khiến rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được.
Tuy nhiên, trong các văn bản sửa đổi và hướng dẫn, Chính phủ chỉ mở rộng đối tượng chứ không thay đổi điều kiện đảm bảo để nhận hỗ trợ. “Như vậy có thể nhận thấy, chính sách chưa phù hợp với thực tế, chưa đi vào cuộc sống”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
Mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng nhưng bà Thuỷ vẫn cho rằng sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn phải chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận.
Từ thực tế này, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đại dịch. Trong đó, đối với lĩnh vực lao động, đề nghị sớm tham mưu, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Bộ luật Lao động năm 2019 để triển khai đến doanh nghiệp Đồng thời, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động miễn 2% kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh.
Đối với lĩnh vực ngân hàng và tín dụng, ngoài các biện pháp hỗ trợ từ ngân hàng, Hiệp hội đề nghị tiếp tục xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay từ 1,5 - 2% cho tất cả các gói cho vay, giảm phí đối với khách hàng là người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Bên cạnh đó, điều kiện, thủ tục cho vay cần đơn giản hơn, tài sản thế chấp linh hoạt hơn, các điều kiện bảo lãnh tín dụng cần nới lỏng hơn nữa vì hiện nay bảo lãnh tín dụng chặt chẽ hơn điều kiện vay ngân hàng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam tham gia CPTPP và FTA mới.
Về phía địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát nhu cầu nhập cảnh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng; cần cân nhắc, hạn chế đến mức thấp nhất nhu cầu nhập cảnh của các đối tượng đến từ các quốc gia, vùng lãnh thủ có lây nhiễm chủng biến thể mới của Covid-19 và đang có diễn biến dịch phức tạp như: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Anh, Nam Phi. Đồng thời, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm Covid-19 cho người lao động.
Bên cạnh đó, bà Thuỷ đề nghị UBND tỉnh xem xét cùng ngân sách địa phương hỗ trợ lao động trong doanh nghiệp bị giải thể, phá sản; chỉ đạo các ngành hoàn thành thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp để đảm bảo thời gian trong việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với địa phương, bà Thuỷ cho rằng, bên cạnh việc thu hút các doanh nghiệp FDI lớn mạnh đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh cần sớm nắm bắt xu thế mới về chuyển đổi số và triển khai các giải pháp cụ thể như hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi số từ nguồn ngân sách tỉnh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về mặt bằng cho doanh nghiệp.
Trước những phản ánh về những bất cập của chính sách đã ban hành và những kỳ vọng, nhưng tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị đầy tâm huyết về chính sách kích thích kinh tế mới mà các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI chốt lại rằng “Doanh nghiệp cần các hỗ trợ cụ thể, trực tiếp, hữu ích hơn là những chính sách “bóng bẩy”, khó thực hiện”.
Có thể bạn quan tâm
09:03, 18/03/2021
04:50, 21/01/2021
14:00, 10/01/2021
06:16, 01/01/2021