Công nghệ và các hình thức mua sắm mới đang góp phần định hình hành vi, sở thích, thói quen và cả kỳ vọng mới của người tiêu dùng, nhất là giới trẻ.
>>>Doanh nghiệp bán lẻ "chuyển dịch" theo xu hướng tiêu dùng mới
Thị trường bán lẻ vì thế cũng có nhiều thay đổi theo xu hướng tiêu dùng mới; trong đó, sự thay đổi nổi trội là nhu cầu sử dụng các nền tảng nội dung của người tiêu dùng đang ngày càng trở nên phổ biến.
Các nền tảng nội dung có ưu thế là một điểm đến duy nhất - nơi người dùng có thể cùng lúc khám phá thông tin, tìm kiếm nội dung và mua sắm trên cùng một ứng dụng - mà không cần thay đổi giao diện, thiết bị hay nền tảng khác trong suốt quá trình tìm hiểu và mua hàng. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực trong những năm tới.
Ngoài ra, tại báo cáo “Shoppertainment 2024: Tương lai của tiêu dùng và thương mại châu Á - Thái Bình Dương” do công ty tư vấn công nghệ Accenture thực hiện tại các thị trường trọng điểm ở khu vực, trong đó có Việt Nam cho thấy, 79% người tiêu dùng ở khu vực bị ảnh hưởng bởi nội dung không mang tính quảng cáo; chỉ 21% người dùng bị tác động bởi các chương trình khuyến mãi khi cân nhắc quyết định mua hàng. Các góc độ nội dung khác như lợi ích sản phẩm, đánh giá thực tế từ người dùng, miêu tả, mô phỏng ứng dụng sản phẩm được cho là hữu ích hơn khi người tiêu dùng cân nhắc và đưa ra quyết định mua sắm của người xem.
Theo thông tin từ báo cáo, ở các thị trường Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc, người tiêu dùng có thiên hướng nghiêng về các đánh giá sản phẩm từ cộng đồng: tin tưởng vào nội dung giới thiệu sản phẩm - dịch vụ từ cộng đồng nhà sáng tạo nội dung, ít nhạy cảm với quảng cáo, thông tin ưu đãi hơn và ít dựa vào trực giác khi mua hàng.
Trái lại, người tiêu dùng tại Nhật Bản và Indonesia có xu hướng quan tâm nhiều tới các nội dung về đặc điểm, thông tin và lợi ích sản phẩm. Nhóm này cũng phản ứng nhanh chóng với các chương trình khuyến mãi và ít đưa ra quyết định mua hàng dựa trên cảm tính hơn.
Từ thực tế trên, các chuyên gia về thương hiệu cho rằng, khi công nghệ tiếp tục phát triển và các yếu tố kinh tế ảnh hưởng đến thói quen của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần tìm cách tương tác với người tiêu dùng để vừa mang lại ưu đãi tốt nhất, vừa truyền tải những trải nghiệm thú vị, liền mạch và không gây gián đoạn trong suốt hành trình mua sắm. Ranh giới giữa mua sắm và các hoạt động khác đang dần trở nên khó phân định nên quan trọng hơn, các thương hiệu cần cung cấp nội dung giúp người tiêu dùng mua những sản phẩm, hàng hoá mong muốn và theo cách họ muốn.
Ông Arthur Altounian - Phó Chủ tịch về chiến lược khách hàng và tăng trưởng châu Á Thái Bình Dương tại GroupM (The Goat Agency) cho rằng: Trong thời đại nội dung và hành vi tiêu dùng đang thay đổi từng ngày, các doanh nghiệp cần thúc đẩy người dùng đưa ra quyết định mua hàng theo trực giác, chú trọng thiết lập mối liên hệ gắn kết lâu dài, đồng hành cùng người dùng trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng cân bằng các nhu cầu về hoạt động khuyến mãi trong ngắn hạn.
Các nhãn hàng, thương hiệu cần xem xét đến việc thay đổi cách tiếp cận phù hợp hơn với tâm lý của người tiêu dùng. Thay vì dồn lực chạy đua khuyến mại, cần đầu tư cải thiện nội dung về cả số lượng lẫn chất lượng thông qua việc làm mới cách mô tả sản phẩm, thậm chí mô phỏng công dụng sản phẩm gắn với tình huống thực tế trong cuộc sống hàng ngày một cách gần gũi...
Có thể bạn quan tâm
Xu hướng tiêu dùng thay đổi ảnh hưởng ra sao đến giỏ hàng Tết 2024?
01:00, 15/12/2023
Tích hợp Al nắm bắt xu hướng tiêu dùng trực tuyến
00:48, 05/12/2022
Gen Z – Thế hệ quyết định xu hướng tiêu dùng của tương lai
09:23, 11/02/2020
Bắt kịp xu hướng tiêu dùng hiện đại, thanh toán thông minh
13:13, 18/10/2019