Xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) chứng kiến hành vi tiêu dùng người Việt Nam đang có sự thay đổi, quan tâm và ưu tiên giá trị hơn giá cả khi mua sắm.
>>>TikTok vươn mình, Shopee và Lazada vượt khó (phần 1)
Theo các doanh nghiệp, sự thay đổi trong hành vi mua sắm và yếu tố cộng đồng sáng tạo nội dung tác động đến thương hiệu và quyết định hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, khiến họ phải tận dụng, nắm bắt cơ hội "chạm đến cảm xúc khách hàng" qua kênh số theo phương thức tinh tế nhất.
Tại báo cáo "Báo cáo Shoppertainment 2024: Tương lai của Tiêu dùng và Thương mại châu Á – Thái Bình Dương" sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng được chỉ ra khi có đến 79% người tiêu dùng APAC bị ảnh hưởng bởi nội dung không mang tính quảng cáo. Trung bình trong khu vực, chỉ 21% người dùng bị tác động bởi các chương trình khuyến mãi khi cân nhắc quyết định mua hàng; tỷ lệ này cũng dao động theo từng quốc gia: 12% (Hàn Quốc), 27% (Nhật Bản) và 41% (Indonesia).
Các góc độ nội dung như lợi ích sản phẩm, đánh giá thực tế từ người dùng, miêu tả và mô phỏng ứng dụng sản phẩm được cho là hữu ích hơn xuyên suốt quá trình cân nhắc và đưa ra quyết định mua sắm của người xem. Báo cáo cũng chỉ ra rằng người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chuyển dịch mối quan tâm về giá trị sản phẩm, thay cho các chủ đề xoay quanh giá cả và khuyến mại như trước đây.
Ở góc độ nhà bán hàng thực tế, chia sẻ cùng báo chí, ông Đặng Thanh Định - CEO Nerman - doanh nghiệp sản phẩm dành cho nam như sữa tắm, nước hoa và cả son, cho biết là doanh nghiệp nhận thấy khách hàng Việt Nam đang thay đổi nhanh.
>>>Vướng mắc cung cấp thông tin người bán hàng trên sàn thương mại điện tử
"Nhiều người nghĩ lên thương mại điện tử (TMĐT) thì giảm giá nhiều, thực ra khách hàng tập trung nhiều hơn vào trải nghiệm. 3 năm qua Nerman đã tăng giá 30% và rất khi giảm, ngay cả ngày "Double day" (ngày trùng nhau trong tháng các nhà bán hàng TMĐT thường đẩy các ưu đãi khuyến mãi giảm giá dành cho khách hàng - P.V), thì chúng tôi cũng chỉ giảm 5%. Thay vào đó, chúng tôi tập trung hướng đến tăng cảm xúc khách hàng, chẳng hạn như tặng quà, mang đến cho khách cảm xúc ngay từ khi mở món quà đã cảm nhận được sự chăm chút, trân quý", ông Định nói.
Cũng theo CEO Nerman, trước đây các anh chị đi trước các doanh nghiệp bán hàng tại hội chợ thường nghĩ ra kết hợp ngoài bán là các chương trình giải trí, trò chơi, ca múa nhạc.v.v phục vụ khán giả - khách mua hàng, thì ngày nay tính giải trí trong văn hóa bán hàng online cũng được đề cao như vậy.
“Qua các kênh TMĐT đang dẫn đầu xu hướng Shoppertainment như TikTok, chúng tôi thấy khách hàng ngày càng tinh tế, việc livestream bán hàng cũng phải thông tin tinh tế, chạm đến cảm xúc khách hàng”, CEO Nerman chia sẻ.
Theo báo cáo Tik Tok, hiện đang có hai kiểu hình thái tiêu dùng riêng biệt ở châu Á - Thái Bình Dương gồm nhóm tiêu dùng dựa trên đánh giá của Cộng đồng (social-oriented) và nhóm dựa trên đặc tính Sản phẩm (product-oriented).
Tại các thị trường như Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc, người tiêu dùng có thiên hướng nghiêng về các đánh giá sản phẩm từ cộng đồng. Theo đó, người dùng tại các quốc gia này tin tưởng vào nội dung giới thiệu sản phẩm - dịch vụ từ cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, ít nhạy cảm với quảng cáo - thông tin ưu đãi hơn, và ít dựa vào trực giác khi mua hàng.
Trái lại, người tiêu dùng tại Nhật Bản và Indonesia có xu hướng quan tâm nhiều tới các nội dung về đặc điểm, thông tin và lợi ích sản phẩm. Nhóm này cũng phản ứng nhanh chóng với các chương trình khuyến mãi và ít đưa ra quyết định mua hàng dựa trên cảm tính hơn.
Ông Tiến Đặng - Phụ trách Digital Marketing chi nhánh CPD của L’Oreal Việt Nam chia sẻ, L’Oreal là một trong những tập đoàn lớn trên toàn cầu. Khi tham sân chơi TMĐT - sân chơi mở, có thử thách lẫn cơ hội, thì thông thường các nhà bán hàng livestream và làm nội dung (content) sẽ nghĩ khuyến mãi là yếu tố quyết, nhưng từ góc độ của ông, đó trước hết phải là câu chuyên nội dung - mang đến những “vibe” - cảm xúc cuộc sống, từ đó liên hệ (link) đến giá trị sản phẩm.
Trong nhiều tình huống, nhà bán hàng, doanh nghiệp cũng được đặt câu hỏi và lựa chọn giữa “bán hàng” hay marketing, từ góc độ cá nhân, ông Tiến Đặng cho rằng không hẳn bất kỳ ai livestream cũng chỉ hướng đến mục tiêu bán hàng. Ngoài bán hàng, có doanh số, doanh nghiệp sẽ marketing, xây dựng thương hiệu, được có thêm nhiều giá trị…
Dẫn các báo cáo của TikTok đề cập đến nhu cầu sử dụng các nền tảng nội dung đang ngày càng trở nên phổ biến khắp châu Á - Thái Bình Dương nhờ ưu thế trong việc là một điểm đến duy nhất - nơi người dùng có thể cùng lúc khám phá thông tin, tìm kiếm nội dung và mua sắm trên cùng một ứng dụng - mà không cần thay đổi giao diện, thiết bị hay nền tảng khác trong suốt quá trình tìm hiểu và mua hàng, các doanh nghiệp cho rằng để có một nội dung "chạm đến cảm xúc khách hàng", đằng sau đó là cả một ê kíp sáng tạo, sản xuất.
TikTok ghi nhận số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong khu vực trong 1-2 năm tới đây khi 93% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay thậm chí tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm - giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.
Trong khi 22% người tiêu dùng chỉ bị ảnh hưởng duy nhất bởi yếu tố thương hiệu, có tới 48% người tiêu dùng cho biết Cộng đồng Sáng tạo nội dung (Content Community) có sức ảnh hưởng đáng kể lên hành vi và quyết định mua sắm.
Đáng chú ý, có tới 73% người tiêu dùng đã và đang tham gia một cách linh hoạt và năng động hơn vào việc sáng tạo nội dung qua các trào lưu mới hay chia sẻ ý kiến trong phần bình luận, v.v.
"Trong một tháng, có khi chúng tôi có đến 16.000 video. Các video nội dung trên nền tảng đều đề cao thông tin minh bạch và làm thế nào để khách hàng thấy hấp dẫn, muốn được trải nghiệm, chứ không thể... lừa khách hàng, bởi khách hàng ngày nay rất thông minh. Đôi khi, việc nói tốt sản phẩm không phải từ doanh nghiệp mà phải xuất phát từ người dùng thực tế. Và không phải tất cả chỉ nói tốt, người dùng có thể có người không hài lòng, có tỷ lệ tiêu cực thì khách hàng thấy các thông tin đều thật, mới tin...", CEO Nerman chia sẻ thêm.
Vai trò của các nội dung, và của các nhà sáng tạo nội dung bao gồm từ chính cộng đồng - người tiêu dùng, theo đó, rõ ràng, đang đặt ra những hướng đi - giải pháp để doanh nghiệp, nhà bán hàng có "chìa khóa" cho câu chuyện tận dụng kênh số, khai thác tối đa hướng mua sắm kết hợp giải trí trên không gian số nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả doanh thu doanh thu và xây dựng thương hiệu, đặc biệt là tiếp cận được đến người dùng - các thế hệ khách hàng Gen Z.
Đại diện TikTok Việt Nam, bà Naree Nguyễn, Giám đốc Kinh doanh Khối khách hàng, cũng chia sẻ, nắm bắt xu hướng này, tuy chưa thể nêu "một con số", nhưng TikTok Việt Nam đã và đang tiếp tục đầu tư nền tảng đáng kể để thúc đẩy xu hướng thị trường chung; đồng thời là sự đầu tư để tăng trải nghiệm, thu hút giữ chân người tiêu dùng và các thương hiệu ở lại nền tảng.
Có thể bạn quan tâm