Digiworld thông báo kế hoạch phát triển thêm nhiều mảng kinh doanh trái ngành. Đây chính là một kiểu của chiến lược Gulliver - trở thành người khổng lồ ngoài ngành - đang dần trỗi dậy ở Việt Nam.
>>Vì sao Digiworld tự tin thắng lớn?
Theo thông tin ghi nhận, trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào ngày 8/2/2022 vừa qua, đại diện công ty Digiworld chia sẻ trong vòng từ 3 - 10 năm tới, công ty này sẽ phát triển theo chiều ngang. Tức là ngoài ngành CNTT - truyền thông, thiết bị gia dụng, v.v. là ngành chính, thì Digiworld mong muốn phát triển thêm trong nhiều ngành mới mẻ hơn như dịch vụ ăn uống (F&B) hoặc thiết bị công nghiệp.
Việc một công ty công nghệ chuyển sang một ngành hoàn toàn “trái ngang” như F&B nghe có vẻ rất lạc quẻ. Thế nhưng đây lại là một chiến lược kinh điển. Trên thương trường, chiến lược này được gọi là chiến lược người khổng lồ ngoài ngành (Gulliver).
Tên gọi của chiến lược này bắt nguồn từ câu chuyện Gulliver phiêu lưu đến xứ sở người tí hon, bỗng chốc trở thành gã khổng lồ (đối với người tí hon) và đánh bại cả một đội quân.
Tương tự vậy, trong chiến lược này, Guilliver là các công ty có nguồn vốn, nếu xét trong ngành thì là bình thường, nhưng nếu so với các công ty trong ngành khác thì lại là vốn lớn. Các Gulliver chuyển từ ngành trọng tâm sang một ngành khác (có thể không liên quan đến ngành hiện tại) với một lượng vốn đầu tư nhỏ hơn nhiều. Khi ấy, các công ty tận dụng nguồn vốn vượt trội của mình, giải quyết các khó khăn mà những công ty trong ngành đang đối mặt, nhanh chóng mua lại các kinh nghiệm, giải pháp từ những công ty này và tái cơ cấu cục diện ngành mới.
Đây là chiến lược mà tỷ phú Sam Zell từng dùng để thay đổi cục diện ngành phát thanh của Mỹ. Sam Zell nổi tiếng nhất với Equity Group trong ngành bất động sản. Khi chưa tìm ra ý tưởng kinh doanh ngành này, nhưng biết được ngành phát thanh đang có cơ hội phát triển vì chính sách mới, ông quyết định thông qua quỹ Zell Chillmark đầu tư 80 triệu USD vào công ty phát thanh Jacor năm 1992.
Ở thời điểm đó, 80 triệu USD là một số tiền khổng lồ ngành phát thanh (nhưng lại không là quá lớn trong ngành bất động sản). Do đó Jacor nhanh chóng thâu tóm hàng loạt công ty và trạm phát thanh khác. Đến năm 1996, Jacor sở hữu khoảng 150 trạm phát thanh. Sau đó bên này hợp nhất với Citicasters, tiếp tục thâu tóm những công ty phát thanh khác, bán lại cho Clear Channel Communications với giá 3,4 tỷ USD. Còn Sam Zell đã biến ngành phát thanh thành sân chơi của những công ty hợp nhất khổng lồ với lợi thế cực lớn về nguồn vốn.
Tại Việt Nam, chiến lược này không phải chưa từng xuất hiện. Chuỗi nhà thuốc Long Châu hay nhà thuốc An Khang đều là một kiểu dạo chơi ở xứ sở tí hon của hai “Gulliver” FPT và MWG. Với sự xuất hiện của Long Châu và An Khang, các hiệu thuốc nhỏ lẻ ở các địa phương chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định trong kinh doanh.
Đặc biệt trong tình hình đại dịch, khi một số công ty gặp khó khăn, chừa lại những khoảng trống thị trường lớn, thì các công ty lớn cũng nhanh chóng khai phá những khoảng trống này.
Chẳng hạn trong dịch, ngành F&B gặp rất nhiều khó khăn, nhiều thương hiệu giảm số lượng cửa hàng hoặc đóng cửa hoàn toàn. Khi đó, ông lớn NovaGroup từ bất động sản bắt đầu dùng nguồn vốn khổng lồ của mình tạo nên Nova F&B, chiếm hàng loạt mặt bằng đắc địa trong ngành và tạo nên các thương hiệu lớn như PhiNDeli, Xing Fu Tang, Jumbo Seafood, v.v..
Từ những ví dụ trên đây, có thể thấy bước lấn sân sang F&B hay thiết bị công nghệ của Digiworld là một kiểu khởi đầu của chiến lược Gulliver. Với nguồn vốn lớn của mình và bước đệm từ một năm 2021 kinh doanh thành công, Digiworld hứa hẹn sẽ làm nên chuyện. Dĩ nhiên, không chỉ duy nhất Digiworld muốn trở thành Gulliver. Vậy nên cuộc chiến có thể không chỉ là giữ Gulliver và đội quân tí hon, mà còn là giữa các Gulliver với nhau.
Có thể bạn quan tâm