Các nhà lãnh đạo DGW đã rất tự tin với kết quả kinh doanh quý IV năm nay, mục tiêu là lợi nhuận đạt 300 tỷ đồng; nhưng BVSC đánh giá, kế hoạch này có vẻ tham vọng.
>>>Digiworld "bắt tay" Xiaomi bảo vệ danh tính
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Công ty CP Thế Giới Số - Digiworld (HoSE: DGW) ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.065 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng 59%, lên 5.659 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp về bán hàng của doanh nghiệp giảm 48%, còn 406 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của DGW giảm 21%, còn 38 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí từ hoạt động này lại tăng mạnh lên 249%, lên 30 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay chiếm 28 tỷ đồng, tăng 158% so với cùng kỳ; Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 42%, lên 38 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt 180 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp chuyên phân phối thiết bị di động ghi nhận doanh thu gần 18.000 tỷ đồng và lãi ròng đạt 528 tỷ đồng, tăng tương ứng 38% và 60% so với cùng kỳ. Với kết quả này, DGW đã hoàn thành 68% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Theo DGW, tăng trưởng trong quý III đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Theo đó, quý III/2022 là giai đoạn cao điểm của thị trường laptop. Dù nhu cầu của người tiêu dùng đã giảm nhưng doanh thu của mảng này vẫn tăng trưởng 33% so với cùng kỳ, đạt 2.457 tỷ đồng.
Về mảng điện thoại di động, doanh thu tăng 74% so với cùng kỳ, đạt gần 2.400 tỷ đồng, nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, cùng với sự gia tăng thị phần của Xiaomi và đóng góp của các dòng iPhone mới.
Ở mảng thiết bị văn phòng, doanh thu ghi nhận 908 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ, nhờ sự tăng trưởng của tất cả các nhóm sản phẩm như máy trạm, máy chủ, giải pháp an ninh, thiết bị lưu trữ dữ liệu, các sản phẩm loTs, giải pháp năng lượng.
Ở mảng thiết bị gia dụng, DGW ghi nhận thêm doanh thu từ Whirlpool và Tivi Xiaomi, với tín hiệu doanh thu tích cực đạt 205 tỷ đồng, tăng 659% so với cùng kỳ.
Với kết quả tích cực đạt được trong quý III, các nhà lãnh đạo DGW đã rất tự tin với kết quả kinh doanh quý IV năm nay, với tăng trường 2 con số. Theo đó, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào đầu tháng 11 vừa qua, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch DGW cho biết, sự suy giảm nhu cầu sẽ không tác động quá nghiêm trọng tới kết quả kinh doanh của DGW khi các sản phẩm chủ chốt vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Nhà lãnh đạo của DGW đặt nhiều kỳ vọng hơn cho quý IV/2022 với sự đóng góp của mẫu iPhone 14 vừa ra mắt và cú hích từ mùa World Cup sắp tới có thể giúp các nhà phân phối tivi Xiaomi tăng lượng hàng tiêu thụ nhờ chất lượng và giá thành hợp lý của thương hiệu này.
Từ quý III/2022, DGW đã ký hợp đồng hợp tác với Nova Service và đây được đánh giá là một động lực cho tăng trưởng doanh số của công ty. Cụ thể, khách hàng mua bất động sản của Tập đoàn Nova sẽ được nhận voucher mua hàng của DGW, hoặc công ty sẽ cung cấp các sản phẩm điện tử khi dự án đã hoàn thiện.
Cũng trong quý III, DGW đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần của Công ty Achison với giá hơn 250 tỷ đồng. Đây là công ty chuyên phân phối các sản phẩm bảo hộ lao động và thiết bị công nghiệp như đá mài, đá cắt, máy đánh bóng… với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%/năm.
Ông Đoàn Hồng Việt cho biết, DGW sẽ tận dụng Achison để phân phối các sản phẩm IT, laptop... và trong tương lai, Achison sẽ là cầu nối giúp DGW cung cấp các thiết bị để trang bị cho các nhà xưởng trong bối cảnh dòng vốn ngoại đổ về Việt Nam ngày càng mạnh mẽ.
Từ những triển vọng trên, lãnh đạo DGW tự tin đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng trong quý IV này.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, triển vọng của DGW sẽ khó bứt phá trong bối cảnh vĩ mô khó khăn. BVSC cho biết, DGW đang giả định biên lợi nhuận ròng quý IV mở rộng lên 4%, nhờ: iPhone 14 có biên lợi nhuận cao ở đầu chu kỳ; tối ưu OpEx; và một số khoản hoàn nhập dự phòng. Tuy nhiên, BVSC đánh giá, kế hoạch trên có vẻ tham vọng tại thời điểm hiện nay, khi triển vọng quý IV năm nay có vẻ ảm đạm do: nhu cầu suy giảm và vấn đề nguồn cung.
Doanh thu DGW chủ yếu được hỗ trợ bởi: doanh thu ĐTDĐ, gồm Xiaomi và iPhone 14 series; và đóng góp lần đầu từ TV Xiaomi, và Whirlpool. BVSC cho rằng, việc khan hiếm nguồn cung iPhone 14 pro và promax là do chính sách “zero Covid” của Trung Quốc đã tác động lên các hoạt động sản xuất, việc hạn hẹp nguồn cung chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ.
Ngoài ra, chênh lệch cung-cầu làm tăng giá bán và mở rộng biên lợi nhuận, phần nào hỗ trợ lợi nhuận ròng dù tác động thuần vẫn tiêu cực, ít nhất là trong ngắn hạn.
BVSC cũng dự báo lợi nhuận ròng của DGW năm 2023 giảm tốc do triển vọng kém lạc quan. Theo đó, BVSC dự báo doanh thu thuần năm 2023 của công ty giảm 5% so với năm 2022 xuống 21.941 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng dự kiến giảm 13% xuống 638,3 tỷ đồng.
BVSC kỳ vọng, Xiaomi và Apple tiếp tục đạt hiệu quả vượt trội thị trường nhờ lợi thế cạnh tranh sẵn có, duy trì là động lực chính cho DGW. Triển vọng 2023 sẽ thách thức hơn, trong bối cảnh vĩ mô khó khăn hơn (áp lực lạm phát, biến động tỷ giá và môi trường lãi suất tăng) và vấn đề nguồn cung gần đây, tác động kém tích cực lên sức mua của người tiêu dùng.
Ở một diễn biến khác, sau khi cổ phiếu DGW giảm sàn 5/7 phiên gần đây và giảm mất hơn 35% sau nửa đầu tháng 11, DGW đã có văn bản thông báo tới cổ đông. Theo đó, DGW cho biết, thị trường chứng khoán có nhiều biến động, do đó cổ phiếu DGW không tránh khỏi ảnh hưởng. Tuy nhiên cũng vì thế có nhiều tin đồn thất thiệt về tình hình của công ty.
DGW khẳng định, tình hình kinh doanh đang bình thường. Với tình hình thị trường khó khăn hiện tại, công ty đang làm tích cực làm việc với tất cả các nhãn hãng như Apple Xiaomi, HP, Dell, Acer, Asus... để kích cầu cũng như tăng nguồn cung thị trường.
Liên quan đến việc sở hữu cổ phiếu của Ban lãnh đạo, DGW cho biết HĐQT hiện tại gồm 5 người, trong đó có 2 thành viên độc lập không sở hữu cổ phiếu, 3 thành viên còn lại sở hữu cổ phiếu thông qua các công ty TNHH do cá nhân làm chủ.
Theo đó, cổ phiếu trong các công ty này là cổ phiếu chưa lưu ký, không thể mua bán trên sàn giao dịch chứng khoán. Qua đây, Ban lãnh đạo DGW cam kết với nhà đầu tư rằng, Ban lãnh đạo sẽ không bao giờ bán cổ phiếu DGW. Tổng số lượng cổ phiếu các công ty đang nắm giữ là đạt hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương 45% vốn điều lệ của công ty.
Có thể bạn quan tâm