Yêu cầu về phát triển bền vững đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ Chính phủ của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn như Mỹ, EU đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp.
>>>Doanh nghiệp da giày khó khăn kết nối đối tác
EU là thị trường xuất khẩu da giày và may mặc lớn của Việt Nam và là thị trường cao cấp, khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng, quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với thuế suất về dần 0% trong vòng 7 năm sau khi có hiệu lực là ưu thế giúp dệt may và da giày Việt Nam tăng sức cạnh tranh với đối thủ cạnh tranh. Nhờ đó, những sản phẩm, hàng hóa ngành da giày đã có sự tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua, nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên, nhận thức ngày càng tăng của người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu về các vấn đề môi trường, sản phẩm thân thiện với môi trường, đã đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ các quy định mới và tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, cho hay, chính sách thương mại tại những thị trường xuất khẩu lớn của ngành da giày thay đổi nhanh chóng. Nếu như trước đây các hoạt động về phát triển bền vững chủ yếu do khách hàng đưa ra và mang tính khuyến khích, thì ngày nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ Chính phủ của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn như Mỹ, EU.
“Chúng tôi hiểu rằng đây là thách thức lớn đối với các nhà máy sản xuất giày dép, túi xách hiện nay”, bà Xuân nhấn mạnh.
Ông Gerwin Leppink, Chuyên gia đến từ tổ chức Wrap cho biết, ngày nay, để xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và EU việc tuân thủ các quy định của cơ quan hải quan, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… là điều bắt buộc.
Theo vị chuyên gia, điều này tác động tới cả người mua (nhà phân phối ở nước sở tại) và nhà cung cấp hàng hóa (doanh nghiệp xuất khẩu). Trong đó, người mua phải chứng minh nguồn cung ứng có trách nhiệm và tuân thủ các luật mới. Các nhà cung cấp chịu trách nhiệm với bên phân phối trong việc chứng minh rằng nhà máy của họ an toàn, công nhân của họ được đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, luật pháp địa phương và yêu cầu của người mua.
Như vậy, để đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững thì doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều yêu cầu như những tiêu chí về chất thải, điều kiện làm việc của người lao động, môi trường…
“Bài toán tuân thủ của doanh nghiệp đặt ra rất rõ ràng. Khi chuỗi cung ứng ngày càng minh bạch rõ ràng, việc truy xuất là yêu cầu doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được. Như vậy, yêu cầu phát triển bền vững không chỉ do chính sách của Chính phủ mà các nhãn hàng uy tín cũng yêu cầu. Đây là thách thức và cũng là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”, bà Xuân chia sẻ.
Thậm chí, ông Gerwin Leppink nhấn mạnh: “Các nhà cung cấp có thể mất đơn đặt hàng nếu không tuân thủ các quy định và người mua có thể bị cơ quan chức năng thu giữ hàng hoặc từ chối lô hàng nếu có cáo buộc ngược đãi công nhân”.
>>>Doanh nghiệp dệt may, da giày “đói” đơn hàng
Từ thực tế này ông Gerwin Leppink khuyến nghị, việc cạnh tranh đã chuyển dịch từ các công ty đơn lẻ sang cả chuỗi cung ứng, đòi hỏi người mua và nhà cung cấp cùng chung tay tuân thủ theo luật pháp, quy định mà khách hàng kỳ vọng và sự cạnh tranh nằm ở giá trị chứ không phải phụ thuộc chi phí thấp nhất.
Đại diện tổ chức Wrap cũng khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bên mua hàng hiện tập trung nhiều hơn vào quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, vào khả năng phục hồi. Họ cũng chuyển sang chiến lược tìm nguồn cung ứng song phương, đa phương đồng thời coi trọng giá trị bền vững, việc tuân thủ, minh bạch, truy xuất nguồn gốc đồng thời với sự linh hoạt của chuỗi cung ứng.
Trước đó khi nhận định về vấn đề này, bà Xuân cho rằng câu chuyện phát triển bền vững là 1 trong những nhiệm vụ dài hơi không chỉ trong 5, 10 năm mà cả quá trình tiếp theo và tôi nghĩ rằng chúng ta cần giải pháp tổng thể xuyên suốt.
Đối với ngành dệt may, da giày, cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành dệt may da giày. Trong chiến lược có nội dung thực thi là xây dựng chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày.
“Chúng tôi cho rằng cần xây dựng ngay chương trình hành động cụ thể với chiến lược, trong đó nêu rõ nội dung mà thế giới và doanh nghiệp đang yêu cầu, đặt ra với doanh nghiệp, từ những giải pháp về thể chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn hóa các yêu cầu đối với doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu quốc tế. Đó là giải pháp tổng thể căn bản giúp ngành dệt may da giày đi nhanh và xa hơn”, bà Phan Thị Thanh Xuân kiến nghị.
Ngoài ra, doanh nghiệp da giày cũng mong muốn Bộ Công thương và hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục tăng cường chia sẻ các thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, để doanh nghiệp thực sự giới thiệu được "cái thị trường cần, chứ không phải cái mình có". Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần được cung cấp thông tin về chính sách ở thị trường nhập khẩu, nhất là những chính sách liên quan đến rào cản kĩ thuật, thủ tục hải quan... sẽ có tác động lớn và trực tiếp đến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ... Từ đó chủ động hơn đối với việc sản xuất, xuất khẩu của mình.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 18/08/2023
02:47, 11/08/2023
02:00, 11/04/2023
04:00, 06/04/2023