Doanh nghiệp địa ốc gặp vạ vì tên dự án

THIÊN BÌNH 24/12/2018 14:45

Chỉ vì tên dự án không rõ ràng mà Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC - Chủ đầu tư dự án The Diamond Park Mê Linh (Hà Nội) đang thực sự gặp khó.

n gọi pháp lý của dự án là Khu nhà ở cho người thu nhập thấp thực tế chỉ là cách đặt tên để định hướng sản phẩm theo phân khúc phù hợp với thu nhập của địa phương,

Chủ đầu tư The Diamond Park đang gặp vạ từ chính... tên gọi của dự án

Trong cuộc trò chuyện mới đây, ông Nguyễn Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn VIDEC cho biết, doanh nghiệp ông đang triển khai dự án The Diamond Park tại Khu đô thị Mê Linh, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội - vùng bất động sản trị giá thấp, không nóng sốt, sôi động như nhiều vùng khác của Hà Nội. Trong quá trình thực hiện, dự án vấp phải vô vàn khó khăn. Đặc biệt là Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội Khóa XII về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008-1/8/2018) với việc sáp nhập một số xã của huyện Mê Linh vào thành phố Hà Nội khiến dự án bị chậm tiến độ nhiều năm.

Doanh nghiệp gặp vạ

Cụ thể, sau Quyết định số 2365/QĐ-UBND (ngày 11/7/2008) UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu nhà ở cho người thu nhập thấp do Công ty CP đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty CP Tập đoàn VIDEC) làm chủ đầu tư, đến ngày 15/3/2017, UBND TP Hà Nội mới có Quyết định số 1739/QĐ-UBND phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park).

“Do bàn giao địa giới hành chính và điều chỉnh quy hoạch chi tiết mất ngót 9 năm (từ tháng 7/2008 đến tháng 3/2017), khi triển khai dự án VIDEC lại vấp phải vướng mắc khách quan và chủ quan khiến chúng tôi chưa thể triển khai. Chúng tôi đã có báo cáo với UBND thành phố Hà Nội (Văn bản số 223/CV-ĐTDA và Văn bản số 289/ CV-ĐT&PTDA) nên một số thông tin dư luận cho rằng chủ đầu tư chây ỳ hoặc không muốn triển khai là không đúng”, ông Dũng nói.

Chưa dừng lại ở đó, ông Dũng cho biết, dự án này theo quy hoạch được phê duyệt là dự án khu nhà ở hỗn hợp, trong đó chỉ có phần xây dựng nhà ở thu nhập thấp, còn lại là diện tích nhà ở thấp tầng và chung cư thương mại.

"Dự án có tên pháp lý là Khu nhà ở cho người thu nhập thấp thực tế chỉ là cách đặt tên để định hướng sản phẩm theo phân khúc phù hợp với thu nhập của địa phương. Chúng tôi chỉ được miễn giảm tiền sử dụng đất cho phần diện tích làm nhà ở thu nhập thấp chứ không phải toàn bộ dự án như dư luận phản ánh” – Ông Dũng cho biết.

Liên quan đến ưu đãi của dự án, ông Dũng khẳng định, The Diamond Park chỉ được miễn giảm tiền sử dụng đất đối với 3 khu chung cư cao tầng để bán cho người thu nhập thấp (Quyết định số 135/QĐ-STC, ngày 29/7/2008), ngoài ra không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào khác.

Việc này được nêu rõ trong Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất dự án: Xây dựng khu nhà ở cho người có thu nhập thấp do Công ty CP đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (số 2736/QĐ-UBND ngày 30/7/2008) là 1.070.000 đồng/m2. Theo đó, chủ đầu tư phải nộp khoảng 60 tỷ đồng. Đến nay, Tập đoàn VIDEC đã nộp hơn 20 tỷ đồng.

"Công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã hoàn tất 14,5 ha giai đoạn 1, chỉ còn một vài ngôi mộ đang chờ ngày chuyển” - ông Dũng nói.

Điều chỉnh tên dự án

Liên quan đến tên dự án, trong báo cáo gửi Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị: “Yêu cầu Công ty CP Tập đoàn VIDEC khẩn trương hoàn thành thủ tục điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, trong đó lưu ý việc điều chỉnh tên dự án để tránh gây hiểu lầm, gây bức xúc trong nhân dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng” - Văn bản số 6045/SXD-PTĐT, ngày 11/7/2018).

Ngày 9/8/2018, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có Văn bản số 6116/VP-ĐT truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng đồng ý đề nghị của Sở Xây dựng nêu trong báo cáo.

Hiện Công ty CP Tập đoàn VIDEC đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý tiếp theo của dự án. Đặc biệt, để phục vụ tốt hơn nhu cầu, theo đề nghị của phần lớn nhân dân thôn Do Thượng cũng như sự đồng thuận của cấp chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án đã có văn bản số 178/CV-ĐTDA ngày 27/6/2018 gửi UBND thành phố Hà Nội về việc xin điều chỉnh cục bộ của dự án (hoán đổi vị trí một số khu đất trong dự án để bán kính phục vụ nhu cầu của nhân dân được tốt hơn).

“Hiện nay, Sở Quy hoạch Kiến trúc đang thẩm định hồ sơ xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án của Công ty theo chỉ đạo của UBND thành phố. Ngay sau khi dự án được UBND thành phố chấp thuận việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch của dự án, Công ty chúng tôi sẽ thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Văn bản số 6116/VP-ĐT ngày 09/8/2018, thúc đẩy tiến độ dự án để sớm bàn giao, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong khu vực”, ông Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng thông tin thêm, phần biệt thự, nhà liền kề, chủ đầu tư cũng mới chỉ làm xong cọc và móng, chưa xây dựng xong căn nào. Số lô biệt thự, nhà liền kề chủ đầu tư đưa vào kinh doanh đã có sự chấp thuận của cơ quan chức năng, tuân thủ đúng và đầy đủ mọi quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp địa ốc gặp vạ vì tên dự án
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO