Ngày 26/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp, doanh nhân 4.0.
Chương trình nhằm mang đến những giải pháp giúp doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam giảm thiểu những tác động tiêu cực, tận dụng tốt nhất cơ hội, ứng dụng công nghệ 4.0 thành công vào sản xuất kinh doanh.
Tại hội thảo, các diễn giả đã bàn luận, trao đổi về xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp; chính sách và giải pháp hỗ trợ về khoa học công nghệ để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời cung cấp những tri thức thiết yếu của giám đốc điều hành trong tuyển dụng nhân sự hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
19:39, 12/06/2019
06:00, 09/02/2019
17:07, 10/01/2019
05:10, 07/12/2018
PGS. TS Lê Xuân Đình - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Trong bối cảnh này, vai trò của doanh nhân một lần nữa lại được khẳng định.
Ông Đình cho biết, theo kết quả khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là khu vực doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay không thể thoát ra được những thế hệ máy móc có công nghệ lạc hậu 2 – 3 thế hệ. Ngoài ra, có tới 24% doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ có 1% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.
Theo ông Đình, có vẻ như doanh nghiệp Việt Nam chưa bắt nhịp được với xu thế mới, do đó thách thức có thể nhiều hơn và có nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Tại Hội thảo, Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết: 800 doanh nhân họp ở Davos đã dự báo 21 sản phẩm sau đây sẽ xuất hiện trong 10 năm tới, được sắp xếp theo số lượng ý kiến giảm dần: 10% dân số mặc quần áo kết nối với internet; 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo); 1 nghìn tỷ cảm biến kết nối với internet; Dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ; 10% mắt kính kết nối với internet; 80% người dân hiện diện số trên internet; Chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D.
Chính những điều này sẽ buộc các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức: Áp lực cạnh tranh; Thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng; Chu kỳ sản xuất, tuổi thọ sản phẩm,…; Cơ hội kinh doanh mới, nhu cầu tiêu dùng mới. Vì vậy, Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải tư duy hàng ngày, sáng tạo cộng thay đổi sẽ tạo ra hiệu quả hơn. Không chỉ thay đổi về công nghệ, khoa học kỹ thuật mà còn mà còn phải đổi mới tổ chức và nhân sự, yếu tố con người vô cùng quan trọng.
Cũng trong chương trình, ông Nguyễn Trọng Duy – Đồng sáng lập công ty CP Ella Study Việt Nam, điều hành dự án Ella Study có bài phát biểu về Ươm mầm nguồn nhân lực, thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ phát triển bền vững. Theo ông Duy, yếu tố để thế hệ trẻ khởi nghiệp đó là chọn đúng vấn đề, tạo giá trị; Tập trung, học mọi lúc mọi nơi và không bỏ cuộc.
Qua những trải nghiệm của bản thân ông cho rằng doanh nhân khởi nghiệp thời 4.0: Thế hệ trẻ luôn cần được thử thách, trải nghiệm quốc tế, học cách tự bồi dưỡng bản thân và có người dẫn đường phù hợp.
Tham dự chương trình, các diễn giả cùng nhau bàn luận, trao đổi về những xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp; chính sách và giải pháp hỗ trợ về khoa học công nghệ để doanh nghiệp nắm bắt cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời cung cấp những tri thức thiết yếu của CEO trong tuyển dụng nhân sự hiện đại.
Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn các đơn vị đã đồng hành cùng chương trình: Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV POWER).