Kinh tế thế giới

Doanh nghiệp Đông Nam Á vượt rào cản thuế quan như thế nào?

Quân Bảo 25/05/2025 04:03

Thông qua thích ứng kỹ thuật số, fintech, dịch chuyển sang chuỗi cung ứng khu vực, nhiều doanh nghiệp Đông Nam Á đang cho thấy có thể vượt qua khó khăn thuế quan.

Thế giới đang chứng kiến một loạt căng thẳng thương mại leo thang, trong đó thuế quan trở thành tâm điểm. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), thuế quan leo thang, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, có thể làm giảm tăng trưởng GDP của châu Á gần 1 điểm phần trăm vào năm 2026.

sdf.jpg
Nhiều SME Đông Nam Á đang tìm kiếm các giải pháp chuỗi cung ứng ngay trong khu vực

Tại Đông Nam Á, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp trong khu vực, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế. Trong khi các tập đoàn lớn có thể có đủ nguồn lực để gánh chịu những chi phí leo thang thì SME ở Đông Nam Á lại đang đối mặt trực tiếp không chỉ với chi phí gia tăng mà còn cả sự gián đoạn chuỗi cung ứng và biến động thị trường. Những doanh nghiệp nhỏ này thường không có nguồn tài chính dự trữ như các tập đoàn lớn, điều này khiến việc tăng thuế quan trở nên đặc biệt gây tổn hại.

Ví dụ, các SME dệt may ở Indonesia hiện phải đối mặt với thuế quan đối với vải nhuộm nhập khẩu từ Trung Quốc, làm tăng chi phí sản xuất. Các nhà lắp ráp điện tử ở Việt Nam đã thấy thuế quan cao hơn đối với các linh kiện quan trọng nhập từ Trung Quốc, buộc các nhà sản xuất phải suy nghĩ lại về mạng lưới nhà cung cấp của mình. Hay các nhà xuất khẩu thực phẩm ở Philippines đang gặp phải sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng do thuế quan áp đặt lên nguyên liệu thô từ châu Âu và Australia.

Tuy nhiên, việc tiếp xúc với thuế quan toàn cầu đã buộc các SME phải áp dụng những chiến lược mới để duy trì tính cạnh tranh. Những thay đổi này không chỉ đơn thuần là để tồn tại mà còn là sự chuyển hướng chiến lược có thể tạo nền tảng cho khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn và tăng trưởng dài hạn.

Nhiều SME Đông Nam Á đang ngày càng tìm kiếm các giải pháp chuỗi cung ứng ngay trong khu vực. Khu vực ASEAN, với các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), cung cấp một cơ chế mạnh mẽ để giảm bớt gánh nặng thuế quan. Các hiệp định này thúc đẩy thương mại miễn thuế hoặc thuế suất thấp trong nội bộ ASEAN, tạo ra một vùng đệm cho SME. Chẳng hạn, các nhà sản xuất đồ da Việt Nam đang chuyển sang các nhà cung cấp ở Thái Lan thay vì phụ thuộc vào việc nhập khẩu đắt đỏ từ châu Âu.

Tương tự, các startup điện tử Malaysia đang ngày càng tìm nguồn linh kiện từ Indonesia, tận dụng lợi thế thương mại miễn thuế giữa các nước ASEAN theo FTA. Bằng cách tái định hình chuỗi cung ứng để tập trung vào việc tìm nguồn cung trong nội bộ ASEAN, SME không chỉ giảm chi phí mà còn thúc đẩy mối quan hệ thương mại khu vực sâu sắc hơn. Sự dịch chuyển này đang giúp các doanh nghiệp tránh được các đợt tăng thuế quan có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Trong khi các phương pháp quản lý thương mại truyền thống thường cồng kềnh, thì sự trỗi dậy của thương mại điện tử (e-commerce) đã cung cấp một "phao cứu sinh" rất cần thiết. Nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng. Đối với SME, sự chuyển đổi số này mang đến cơ hội để vượt qua các rào cản thương mại truyền thống, bao gồm cả thuế quan. Các nền tảng trực tuyến cho phép doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc vào trung gian và chi phí tiếp vận tốn kém liên quan đến thương mại xuyên biên giới.

Chẳng hạn, một thương hiệu chăm sóc da của Philippines trước đây dựa vào xuất khẩu số lượng lớn sang Mỹ đã chuyển đổi thành công sang bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng qua TikTok Shop ở Singapore và Malaysia. Động thái này đã giúp thương hiệu cắt giảm chi phí, hợp lý hóa phân phối và tránh thuế quan áp đặt lên hàng nhập khẩu số lượng lớn.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất mà SME đã thực hiện để đối phó với thuế quan tăng cao là việc áp dụng các giải pháp fintech (công nghệ tài chính). Các nền tảng kỹ thuật số này cho phép doanh nghiệp xử lý thanh toán xuyên biên giới, quản lý rủi ro tiền tệ và hợp lý hóa giao dịch, đồng thời giảm các khoản phí cao liên quan đến ngân hàng truyền thống.

Báo cáo ASEAN Fintech 2024 của PwC chỉ ra rằng 28% SME ở Singapore và 31% SME ở Việt Nam hiện đang sử dụng các nền tảng fintech để quản lý các giao dịch quốc tế của họ. Những công cụ này đặc biệt quan trọng trong việc giảm thiểu chi phí giao dịch, vốn thường trầm trọng hơn do sự chậm trễ chuỗi cung ứng liên quan đến thuế quan. Bằng cách tự động hóa thanh toán, quản lý dòng tiền hiệu quả hơn và truy cập tỷ giá hối đoái theo thời gian thực, SME đang tiết kiệm được đáng kể chi phí hoạt động, giúp họ duy trì tính cạnh tranh trong bối cảnh biên lợi nhuận vốn đã rất mỏng.

fintech-v1.png
SME đối phó với thuế quan tăng cao bằng việc áp dụng các giải pháp fintech

Chính sách của chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp SME đối phó với các thách thức thuế quan. Trên khắp Đông Nam Á, các sáng kiến quốc gia và khu vực được đưa ra để giúp các doanh nghiệp chuyển hướng, thích ứng và phát triển mạnh mẽ khi đối mặt với gián đoạn toàn cầu. Enterprise Singapore đã đưa ra một loạt các khoản tài trợ và sáng kiến số hóa để hỗ trợ SME trong việc định hướng các thách thức thương mại toàn cầu. Các nguồn lực này giúp doanh nghiệp mở rộng kỹ thuật số và tham gia vào thị trường quốc tế mà không cần dựa vào các trung gian đắt đỏ.

Hệ sinh thái Tiếp vận Quốc gia (NLE) của Indonesia nhằm mục đích đơn giản hóa và số hóa hệ thống tiếp vận để giảm chi phí giao dịch xuyên biên giới, đặc biệt cho các SME ở vùng nông thôn gặp khó khăn về tiếp vận.

Văn phòng Xúc tiến SME (OSMEP) của Thái Lan giúp các SME địa phương tận dụng các hiệp định thương mại khu vực như RCEP, cung cấp đào tạo và hỗ trợ tài chính để đảm bảo doanh nghiệp có thể khai thác quyền tiếp cận miễn thuế vào các thị trường ASEAN. Những nỗ lực này nâng cao khả năng của SME để vượt qua những "cơn bão" do thuế quan gây ra và trở nên cạnh tranh hơn trên quy mô toàn cầu.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực này, nhưng những thách thức vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, các SME ở vùng nông thôn vẫn tiếp tục gặp khó khăn với việc thiếu tiếp cận các công cụ fintech và cơ sở hạ tầng giao vận. Các thủ tục hải quan phức tạp, cùng với việc thiếu minh bạch về thuế quan, thường dẫn đến chậm trễ, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ với nguồn lực hạn chế để đối phó với những gián đoạn như vậy.

Các SME ở Đông Nam Á đang cho thấy mình không phải là nạn nhân thụ động của các thách thức thuế quan toàn cầu. Thay vào đó, họ là những doanh nghiệp nhanh nhẹn và tháo vát, tận dụng công nghệ, hỗ trợ từ chính phủ và các hiệp định thương mại khu vực để điều hướng bối cảnh thương mại mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp Đông Nam Á vượt rào cản  thuế quan như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO