Việc Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ nhiều quy định mới trong việc đón tiếp khách du lịch quốc tế đã khiến cộng đồng doanh nghiệp hoang mang trước thời điểm mở cửa đường bay.
>>Trước giờ mở cửa du lịch từ 15/3, Bộ Y tế lại đề nghị siết chặt
Nếu các quy định về y tế trong công tác đón tiếp khách du lịch quá khắt khe, cộng đồng doanh nghiệp du lịch lo lắng lượng khách đến Việt Nam sẽ “quay đầu”.
Doanh nghiệp hoang mang
Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Văn hóa - thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) để góp ý kiến về dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, Bộ Y tế đề nghị VH-TT&DL cân nhắc bổ sung, sửa đổi một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, quan điểm của Bộ Y tế, việc mở lại các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực dự kiến cung cấp dịch vụ lưu trú, tham quan,… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và cộng đồng. Trong phương án đón khách, Bộ Y tế cho rằng cần quy định, làm rõ trách nhiệm của địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ và cá nhân hành khách trong việc giám sát, quản lý, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo nhóm người gồm người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền hạn chế đi du lịch cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, trong vòng 24 giờ từ khi nhập cảnh, hành khách không rời khỏi nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2. Và trong vòng 72 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh, hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú.
Trong trường hợp ngày thứ 2 và 3 khách cần rời khỏi nơi lưu trú thì phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Đặc biệt, du khách dưới 12 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 thì từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 muốn rời khỏi nơi lưu trú phải thực hiện xét nghiệm liên tục hằng ngày.
Những kiến nghị mới của Bộ Y tế đã khiến cộng đồng doanh nghiệp du lịch hoang mang bởi những quy định trên là khá chặt chẽ ảnh hưởng đến tâm lý của du khách. Việc áp dụng quá nhiều các quy định về phòng chống dịch sẽ tốn nhiều thời gian cũng như chi phí, do đó các doanh nghiệp muốn có một cơ chế cởi mở hơn trước thềm “mở cửa bầu trời”.
Ông Lê Thiên Tư – Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event cho rằng nếu thực hiện theo đề xuất của Bộ Y tế rất khó cho cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi. Bởi lẽ, nhóm khách đường xa rất khó chấp nhận các quy định đó vì sẽ mất khá nhiều quãng thời gian và chi phí.
“Chính sách của Bộ VH-TT&DL và Bộ Y tế lại khá ngược nhau, nếu khách du lịch không đến vào thời điểm công bố thì du lịch sẽ chững lại ngay. Đã chấp nhận mở cửa thì cần phải giảm các cơ chế khắt khe để doanh nghiệp giữ vững niềm phấn khởi. Trong thời gian qua các doanh nghiệp đã liên kết, bán sản phẩm cho các đối tác, nếu như lượng khách quay lại hủy vé thì sẽ tốn rất nhiều kinh phí của doanh nghiệp, như thế doanh nghiệp lại rơi vào vòng loay hoay”, ông Lê Thiên Tư nhận định.
>>Cần chuỗi giá trị dịch vụ mới cho du lịch Đà Nẵng
Cần những chính sách cởi mở
Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng Bộ VH-TT&DL đã đề xuất một khung pháp lý khác dễ dàng hơn, thuận lợi hơn cho du khách và doanh nghiệp. Trên quan điểm của Bộ Y tế vừa đề xuất là khá chặt, như vậy mức độ quan tâm của du khách sẽ giảm đi.
“Ngành du lịch sẽ mất đi mức độ cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Trong khi các nước chỉ cần test và đi, còn chúng ta ràng buộc chặt chẽ, từ đó sẽ tạo ra sự không thuận tiện cho du khách. Như vậy, với quan điểm của Bộ Y tế thì khách đến Việt Nam sẽ không nhiều, lượng khách cấp thiết như các nhà đầu tư, làm ăn, thăm thân nhân,... chỉ đến Việt Nam, còn du lịch thuần túy sẽ không đến thời gian này”, ông Cao Trí Dũng nói.
"Doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu an toàn lên cao nhất. Quyết định “mở đường” của Chính phủ rất quyết liệt nếu như Bộ Y tế tham mưu như vậy thì du lịch quốc tế một lần nữa sẽ chững lại, mất khí thế" - ông Dũng nhấn mạnh.
Tại đề xuất các phương án hỗ trợ du lịch, ông Dũng cho rằng chỉ cần đếm ca bệnh nặng, còn những ca bệnh nhẹ, không triệu chứng thì nên lược bỏ. Đồng thời, đến thời điểm 15/3 cần công bố mở cửa du lịch để tạo hiệu ứng truyền thông, điều chỉnh khung pháp lý phù hợp với tình hình, cởi mở hơn và ít nhất dù không bằng cũng phải cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
“Doanh nghiệp đang rất phấn khởi, nếu vẫn áp dụng các biện pháp khó khăn thì sẽ không đón được khách trong ngắn hạn. Trong giai đoạn doanh nghiệp phấn khởi họ đã đã phục hồi dịch vụ, tuyển lao động,... nhưng nếu thực hiện theo đề xuất của Bộ Y tế thì họ sẽ đóng cửa trở lại gây tổn hại không hề nhỏ”, ông Cao Trí Dũng nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm