Doanh nghiệp gặp khó khi giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu Móng Cái

GIA NGUYỄN 18/09/2021 00:06

Không chỉ gây ảnh hưởng đến việc lưu thông, yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với xe ngoại tỉnh đến giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh còn tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp…

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) vừa có công văn gửi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP. Móng Cái về việc quy định xét nghiệm COVID-19 với lái xe vận chuyển hàng qua cửa khẩu Móng Cái còn gây khó cho doanh nghiệp.

Theo VLA, hiện nay, xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc thì lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần, trong đó có 2 lần xét nghiệm PCR và một lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Các yêu cầu xét nghiệm được thực hiện theo chỉ đạo tại Công văn số 5630/UBND-DL1 ngày 19/8/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh, khi đi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh thì lái xe phải xuất trình kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR ở tỉnh khác có giá trị trong vòng 48 giờ tính từ giờ lấy mẫu; Công văn số 4227/UBND-VP ngày 06/9/2021 của UBND TP. Móng Cái, lái xe phải xét nghiệm nhanh bằng phương pháp kháng nguyên trước khi được phép đi vào khu vực cửa khẩu Móng Cái; Và Công văn số 3577/UBND-BQLCK ngày 03/8/2021 của UBND TP. Móng Cái, lái xe tiếp tục phải thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp PCR và phải chờ đến khi có kết quả mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu.

Doanh nghiệp vận tải lưu thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Ảnh: TT

Doanh nghiệp vận tải lưu thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái - Ảnh: TT

VLA cho rằng, việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần cho cùng một chuyến hàng là quá nhiều, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lái xe cả về chi phí, vận hành và sức khỏe, cần thực hiện các quy định phòng dịch phù hợp với chỉ đạo tại Văn bản số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ về thời hạn 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm, Văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19/7/2021 của Bộ Y tế về việc chấp nhận xét nghiệm cho lái xe bằng cả hai phương pháp PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Đáng nói, yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực cửa khẩu Móng Cái khiến cho xe đã giao nhận hàng xong nhưng vẫn phải chờ đến tối muộn hoặc ngày hôm sau mới được rời đi sau khi nhận được kết quả xét nghiệm COVID-19 làm phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Từ đó, VLA kiến nghị, không yêu cầu xét nghiệm lái xe theo quy định tại Công văn số 3577/UBND-BQLCK, bởi đây là quy định đang gây ra rất nhiều phiền hà cho lái xe, doanh nghiệp vận tải vì phải lưu giữ hàng hóa, phương tiện và người lái tại khu vực cửa khẩu để chờ kết quả xét nghiệm COVID-19 rồi mới được rời đi. Đồng thời, không yêu cầu xét nghiệm lần thứ hai như quy định tại Công văn số 4227/UBND-VP nếu kết quả xét nghiệm của lái xe vẫn còn trong thời giạn 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm.

Không chỉ VLA, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cũng phản ánh đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp hội viên về tình hình khó khăn trong việc xét nghiệm PCR cho lái xe gây ách tắc giao thông, mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Theo VITAS, các quy định về xét nghiệm PCR cho lái xe của tỉnh Quảng Ninh và TP. Móng Cái đang không đúng với chỉ đạo của Chính phủ và các quy định của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải. Với 3 lần xét nghiệm, đặc biệt là yêu cầu xét nghiệm bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực cửa khẩu Móng Cái đã và đang gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp về chi phí và vận hành, đặc biệt là đội ngũ lái xe.

Việc áp dụng thời gian giấy xét nghiệm COVID-19 có hiệu lực thiếu đồng bộ giữa các tỉnh, thành không chỉ khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó vì gia tăng gánh nặng về chi phí, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, mà còn dẫn đến mối lo ngại về nhân lực hoạt động tại các doanh nghiệp khi nhiều lái xe mệt mỏi, không muốn chạy xe, chấp nhận bỏ việc.

Để đảm bảo chuỗi cung ứng, tránh đứt gãy sản xuất theo Chủ trương của Chính phủ, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đề nghị các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương sớm vào cuộc giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, đảm bảo tính thống nhất tại các văn bản chỉ đạo đã có.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI đề nghị mở rộng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó bởi COVID

    VCCI đề nghị mở rộng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó bởi COVID

    00:06, 14/08/2021

  • Tăng cường miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn

    Tăng cường miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn

    22:44, 06/08/2021

  • Thanh Hóa: Doanh nghiệp gặp khó khi khai thác mỏ

    Thanh Hóa: Doanh nghiệp gặp khó khi khai thác mỏ

    07:30, 17/07/2021

  • TP.HCM kiến nghị giảm 5% thuế VAT cho doanh nghiệp gặp khó do COVID-19

    TP.HCM kiến nghị giảm 5% thuế VAT cho doanh nghiệp gặp khó do COVID-19

    11:00, 10/06/2021

  • Doanh nghiệp gặp khó vì đối tác “ngại” đến Hải Dương do dịch COVID-19

    Doanh nghiệp gặp khó vì đối tác “ngại” đến Hải Dương do dịch COVID-19

    04:00, 23/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp gặp khó khi giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu Móng Cái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO