Qua thực tế triển khai, nhiều doanh nghiệp khẳng định họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nhà cung cấp hóa đơn điện tử.
Trong khuôn khổ Dự án “Chuyển đổi số doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nhiệp 4.0”, Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI-ITB) đã tổ chức chuỗi Hội thảo “Các chính sách thuế 2019 và Xu hướng ứng dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” tại Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng.
Mới đây nhất, ngày 29/10/2019 Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Công ty TNHH Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC tổ chức hội thảo để tiếp thu ý kiến đóng góp của doanh nghiệp về dịch vụ hóa đơn điện tử.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Công ty CP xi măng Cao Ngạn cho biết việc thực hiện hóa đơn điện tử với doanh nghiệp là giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm phiền hà, nhưng trong quá trình triển khai, mỗi doanh nghiệp lại có những khó khăn riêng. Vấn đề nổi cộm hiện nay là ngày lập hóa đơn và ngày ký phải trùng nhau, điều này thực sự gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch.
"Đối với hóa đơn giấy trước đây, nếu có sai sót, doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản điều chỉnh và xuất hóa đơn điều chỉnh. Nhưng với hóa đơn điện tử, nếu điều chỉnh 2 nội dung thì phải xuất 2 hóa đơn điều chỉnh. Do đó, đối với khách hàng khi nhận hóa đơn điều chỉnh, họ sẽ khó chấp nhận việc sai sót trên hóa đơn gốc, nhưng lại đi kèm 2, 3 hóa đơn điều chỉnh”, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Thực - Phó Viện Trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp, Trưởng Dự án chuyển đổi số doanh nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 cho biết, điều khó khăn nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện hóa đơn điện tử là lựa chọn nhà cung ứng.
“Thực tế triển khai, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nhà cung cấp hóa đơn điện tử bởi họ khó có thể biết được đâu là những nhà cung ứng có đủ năng lực, đủ uy tín, đâu là những nhà cung ứng có thể tư vấn được các nghiệp vụ mà doanh nghiệp quan tâm”, ông Thực cho biết.
Ông Đỗ Quang Yên - Giám đốc Trung tâm SAAS - Công ty TNHH Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC, một trong 9 nhà cung cấp hóa đơn điện tử đầu tiên được Cục thuế Hà Nội lựa chọn triển khai dịch vụ cho doanh nghiệp Hà nội khẳng định: “Yêu cầu quy định về hóa đơn điện tử tại mỗi cơ quan thuế cũng có sự khác nhau. Điều này cũng ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng”.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) khẳng định, một trong những vướng mắc khi triển khai chính là hệ thống pháp lý còn chưa đồng bộ.
Có thể bạn quan tâm
21:17, 31/10/2019
11:53, 25/10/2019
15:59, 22/10/2019
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hóa đoan điện tử, ông Thực cho rằng cần xây dựng chính sách riêng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh, bởi hầu hết các doanh nghiệp ở khu vực này đều thuộc nhóm doanh nghiệp có cơ sở vật chất, hạ tầng, con người… chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản để triển khai sử dụng hóa đơn điện tử.
“Tổng cục Thuế cũng cần tập trung nguồn lực tuyên truyền đến các doanh nghiệp về lợi ích khi áp dụng hóa đơn điện tử. Qua đó, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, giải quyết các vấn đề về chi phí và lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời, Viện Tin học Doanh nghiệp cũng đề nghị Tổng cục thuế sớm công bố danh sách các nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đủ năng lực và yêu cầu đã được nêu trong Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn một số điều của nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ”, ông Thực đề xuất.