Để thế hệ lãnh đạo F2 quản lý doanh nghiệp hiệu quả, bền vững, các doanh nghiệp cần phải xây dựng được một hệ thống quản trị doanh nghiệp minh bạch rõ ràng trước khi chuyển giao.
Tại buổi Tọa đàm “Thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ lãnh đạo của doanh nghiệp gia đình” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp bảo trợ thông tin, nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, cần phải xây dựng một hệ thống quản trị doanh nghiệp minh bạch.
Cần một hệ thống quản trị minh bạch
Là một lãnh đạo thuộc thế hệ F2, bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát (THP) cho rằng, nếu muốn phát triển và tồn tại bền vững, các doanh nghiệp gia đình cần phải xây dựng được các chính sách, quy trình, cơ chế quản lý, cơ chế phân quyền rất rõ ràng.
“Ở THP, chúng tôi luôn đặt ra các câu hỏi: Nếu như chúng ta đặt nhà máy ở các quốc gia khác thì sẽ phải làm như thế nào? Mức độ tin tưởng đối với các Tổng giám đốc ở các quốc gia này ra sao? Đó là điều đã thôi thúc chúng tôi phải thuê đơn vị tư vấn để viết lại toàn bộ những quy trình chuẩn để vận hành doanh nghiệp”- bà Uyên Phương chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao nhìn nhận: Các doanh nghiệp Việt Nam muốn có tham vọng đứng vững và phát triển một cách bền vững thì phải xây dựng được một hệ thống quản trị ổn định và phải có định hướng phát triển rõ ràng. Cần phải thống nhất với nhau về một giá trị cốt lõi, về một hệ thống quản trị, những nguyên tắc về văn hóa, về đạo đức kinh doanh bên cạnh một hệ thống pháp lý bền vững.
Để có một nền kinh tế vững chắc, chúng ta cần có nhiều doanh nghiệp gia đình lớn, bởi vì không có gì trường tồn bằng gia đình, dòng tộc.
Bên cạnh đó, bà Kim Hạnh cũng cho rằng các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ F2 phải có sự huấn luyện, hướng dẫn từ những người đi trước, để cả thế hệ đầu tiên và thế hệ thứ hai thấy rằng mình phải sẵn sàng thay đổi và học hỏi những gì mà mình còn thiếu, những gì mình chưa hoàn toàn phù hợp với một giai đoạn mới.
“Cha mẹ thường hay bị đóng đinh bởi những định kiến về con mình và luôn mặc định rằng đã là con thì phải nghe theo lời cha mẹ. Khi tranh luận, cha mẹ thường không tập trung vào nội dung mà lại thường hay xét nét về hành vi, thái độ của người con và cho rằng thái độ đó là xấc láo, là không tôn trọng cha mẹ. Tôi cho rằng chúng ta phải gạt bỏ được tất cả những điều đó, mặc dù nó không hề dễ dàng. Phải cho chúng được thể hiện chính kiến của mình và phát huy nó một cách tối đa. Có như vậy, chúng ta mới có được một thế hệ lãnh đạo kế cận giỏi”- bà Kim Hạnh chia sẻ thêm.
Có thể bạn quan tâm
00:54, 08/08/2019
06:28, 11/07/2019
06:14, 05/07/2019
04:03, 04/07/2019
09:35, 26/06/2019
10:30, 22/06/2019
11:00, 20/06/2019
Sáng nghiệp đã khó, quản nghiệp còn khó hơn
Ở một góc độ khác, ông Trần Phong Lan – Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn SeaCorp cho rằng, có 2 nền tảng mà những nhà lãnh đạo thuộc thế hệ F1 phải làm để chuẩn bị cho các lãnh đạo thế hệ F2, F3 quản nghiệp được bền vững và trường tồn.
Thứ nhất, phải xây dựng được một nền tảng pháp lý vững chắc cho công ty; nền tảng pháp lý là những quy trình, quy chế, quy định và phải quản lý công ty một cách rõ ràng, minh bạch, có quy định chức danh các vị trí cụ thể và cơ hội sẽ dành cho tất cả mọi người bằng một hệ thống pháp lý công bằng.
Thứ hai, phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, chuỗi giá trị doanh nghiệp, đó là phần hồn của doanh nghiệp, đây là một yếu tố rất quan trọng. Phải giữ được những chuẩn mực đạo đức, những giá trị mà doanh nghiệp tôn sùng. Nếu những thế hệ sau vẫn duy trì và hoàn thiện hơn những giá trị đó thì sẽ giúp cho việc quản nghiệp được tốt hơn.
“Có nhiều người khi sinh ra đã ở trong một gia đình giàu có, danh giá, nhưng họ lại phải chịu rất nhiều gánh nặng, họ đang phải gánh một trách nhiệm quá lớn, quá sức của mình và làm sao để vượt qua được cái bóng của ông cha mình? Tôi rất tâm đắc với một câu nói “Sáng nghiệp đã khó, quản nghiệp còn khó hơn””- ông Phong Lan chia sẻ.