Theo một số chuyên gia kinh tế, đối với những startup đang ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, một trong những phương thức gọi vốn an toàn nhất là kêu gọi từ các nhà đầu tư mạo hiểm.
Khi có ý tưởng kinh doanh mới, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có nguồn tài chính chắc chắn để hoàn thiện và đưa ý tưởng đó vào thực tế. Việc tìm nguồn vốn này như thế nào lại phụ thuộc vào chính các chủ nhân của các dự án khởi nghiệp.
Theo một số chuyên gia kinh tế, đối với những startup đang ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, một trong những phương thức gọi vốn an toàn nhất là kêu gọi từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Các nhà đầu tư chỉ sẵn sàng chi tiền khi họ thật sự bị thuyết phục.
Để làm được điều này, các Founder cần cho nhà đầu tư thấy tầm nhìn của mình được miêu tả rõ ràng, khả thi và đủ lớn. Khi Founder đủ khả năng để kể câu chuyện của mình, họ có thể gọi vốn. Bởi vậy, ngoài việc cần có một ý tưởng tốt, các bạn cần có một lượng khách hàng đầu tiên, tìm thị trường tiềm năng, để cho các nhà đầu tư thử trải nghiệm sản phẩm của mình và chứng minh tính khả thi qua các con số.
Chia sẻ về bước đầu khởi nghiệp của mình và cộng sự, CEO Trần Trung Hiếu – TopCV Việt Nam cho biết, anh đã lên ý tưởng và phát triển cùng cộng sự từ lúc nhân sự của công ty chỉ vỏn vẹn có 2 người. Từ một start-up tưởng chừng khó thành công do chỉ là một nhu cầu nhỏ, đến nay công ty hiện tại đang có số lượng nhân sự lên tới hơn 50 người.
“TopCV có sử dụng loại hình đầu tư thiên thần. Đây là một công cụ giúp cho doanh nghiệp mình có nguồn kinh phí tài chính để triển khai và thực hiện dự án, thuê nhân sự và thúc đẩy cho doanh nghiệp mình phát triển mà chưa xuất hiện những khó khăn gì tính cho đến thời điểm này”, Hiếu bày tỏ.
Còn trò chuyện với phóng viên, anh Nguyễn Trọng Thơ – Tổng Giám đốc iNET về dịch vụ đăng ký tên miền nhằm bảo vệ thương hiệu cho người dùng internet cho biết: “Tất cả các doanh nghiệp trẻ đều cần có vốn ban đầu để khởi nghiệp sau khi đã lên ý tưởng, thời điểm đó iNET đã tự huy động được nguồn vốn mà không gặp phải khó khăn trong bài toán tài chính và sắp tới iNET có thể sẽ triển khai gọi vốn từ các nhà đầu tư”.
Bàn về khó khăn của các startup hiện nay, anh Thơ cho hay: Đa số doanh nhân khởi nghiệp đều chưa được hoàn thiện đầy đủ về các kỹ năng, am hiểu về làm truyền thông, marketing, thị trường… Nếu chỉ có nền tảng thuần tuý về công nghệ thì không thể ra một sản phẩm thành công và khởi nghiệp thành công.
Ngoài ra, hệ thống pháp lý về khởi nghiệp của nước ta tuy được quan tâm đặc biệt thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thưc tế. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến “đường đi nước bước“ của các startup mà còn cản trở dòng vốn đầu tư bởi nhiều nhà đầu tư lo ngại nếu không có hệ thống pháp lý chuẩn thì quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Hiện nay, tại Việt Nam cũng đã xuất hiện các đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao chia sẻ: Trong quá trình hội nhập kinh tế, trào lưu startup được đông đảo những trí thức trẻ Việt Nam đón nhận và ngày càng lan tỏa đến mọi tầng lớp trong xã hội.
Chúng tôi kỳ vọng cao vào các startup và sẽ cố gắng tạo môi trường thuận lợi cho thế hệ doanh nghiệp mới, giàu sức sáng tạo, có tiềm năng lớn, nắm bắt cơ hội để bắt kịp với trào lưu số hóa nhanh chóng của thế giới.
Cũng theo góc nhìn của một đơn vị công lập, ông Hiếu cho biết: “Chúng tôi là một Trung tâm ươm tạo có ngân sách nhà nước hỗ trợ trong khuôn khổ, tự chủ và luôn hướng đến mục tiêu hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp.
Trung tâm sẽ giúp các đối tác ươm tạo giảm thiểu chi phí, hạn chế rủi ro trong quá trình khởi nghiệp; đồng thời cung cấp các tiện ích thiết thực thông qua hệ thống cơ sở vật chất và dịch vụ như: cho thuê văn phòng, tòa nhà với giá ưu đãi đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp từ 30%-50%; tổ chức khóa đào tạo, tập huấn; kết nối các nhà đầu tư, chuyên gia; giảm 50% chi phí tư vấn, khóa học marketing…”
Theo đánh giá của ông Hiếu, những khó khăn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chính là thiếu thông tin, kết nối; thiếu vốn; thiếu năng lực khởi nghiệp; chưa có văn hóa khởi nghiệp (văn hóa làm chủ, chấp nhận thất bại); thiếu năng lực khởi nghiệp.
Dó đó, thời gian tới bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần nâng cao chất lượng khởi nghiệp thông qua các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, liên kết cộng đồng khởi nghiệp khu vực và quốc tế.
Qua đó, startup có thể biết được nhiều thông tin một cách toàn diện hơn, kêu gọi và đảm bảo đầu tư cũng như đi tới các địa phương sẽ có độ tin cậy hơn, đó là sự khác biệt giữa đơn vị công lập và tư nhân.