Doanh nghiệp “khốn cùng” vì “du lịch sinh thái”

NHÓM PV 17/10/2020 06:34

Từ việc chưa định danh rõ thế nào là “du lịch sinh thái” đến việc lúng túng trong quản lí Vườn Quốc gia Cát Bà của chính quyền TP Hải Phỏng đã đẩy nhiều doanh nghiệp và thế “khốn cùng”.

 Các doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng mô hình dịch vụ “du lịch sinh thái” tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

Các doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng mô hình dịch vụ “du lịch sinh thái” tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

Sau hơn 10 năm liên kết với Vườn Quốc gia Cát Bà để xây dựng mô hình dịch vụ “du lịch sinh thái”, 6 doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng. Chưa kịp thu hồi vốn thì mới đây, UBND thành phố Hải Phòng có Thông báo số 309/TB-UBND sẽ tháo dỡ các công trình trên mà không đả động gì đến vấn đề bồi thường thiệt hai.

Đầu tư đúng quy trình

Việc đầu tư của các doanh nghiệp căn cứ vào Quyết định số 492 Ngày 24/3/2009 của UBND thành phố Hải Phòng thành lập Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo chi phí thường xuyên. Đơn vị này thay mặt Vườn quốc gia Cát Bà để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái… và các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp.

Theo đó, 6 doanh nghiệp đã liên kết với Vườn quốc gia Cát Bà để xây dựng mô hình dịch vụ du lịch sinh thái thí điểm, gồm: Công ty đầu tư thương mại và dịch vụ Đông Kinh; Công ty cổ phần thương mại Tùng Long; Công ty cổ phần thương mại Thanh Bình; Công ty cổ phần du lịch Cát Dứa; Công ty TNHH du lịch dịch vụ thủy sản TM Thùy Trang; Công ty TNHH Đảo Cát.

Để thực hiện mô hình thí điểm này, các doanh nghiệp đã nhận được một số văn bản ủng hộ của UBND huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà, Sở NN&PTNT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch… Đồng thời có đơn xin phép và thông báo về việc triển khai trong từng giai đoạn gửi UBND huyện Cát Hải và các ban, ngành liên quan, có đơn gửi UBND thành phố về việc chấp thuận cho các công ty lập dự án đầu tư.

Từ năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư tại các điểm: Vườn Vải trung tâm Vườn Quốc gia Cát Bà, Cát Dứa 1, Cát Dứa 2, Bãi Nam Cát, Hòn Ba Cát Bằng... trị giá hơn 600 tỷ đồng và kinh doanh ổn định.

Không những vậy, ngày 11/9/2017, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành Quyết định số 2360 về đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái.

Doanh nghiệp kêu trời!

Tuy nhiên, ngày 07/9/2020 UBND thành phố Hải Phòng có Thông báo số 309 sẽ tháo dỡ các công trình xây dựng sinh thái lưu trú theo hoạt động liên doanh, liên kết tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

“Nếu chúng tôi sai thì suốt 11 năm qua tại sao không có một cơ quan ban ngành nào ra làm việc với chúng tôi, để báo với chúng tôi là chúng tôi sai, mà chỉ có ra để khen, thưởng, động viên. Đến ngày hôm nay lại bảo chúng tôi sai” – ông Trịnh Phúc Mãn – PGĐ Công ty CP khu du lịch đảo Cát Bà bức xúc.

Theo tìm hiểu của PV, mô hình sinh thái của 6 doanh nghiệp luôn tuân thủ các Quyết định của UBND TP Hải Phòng. Thậm chí, ngày 25/03/2020, liên ngành gồm: Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Sở Tư pháp, Thanh tra Thành phố, UBND huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà đã tiến hành họp về thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, và đã đi đến thống nhất kết luận, chưa đủ căn cứ để tháo dỡ các công trình xây dựng của các doanh nghiệp trên tại Vườn Quốc gia Cát Bà…

“Hàng triệu khối cát được mua từ Quảng Ninh về đầu tư cho bãi cát tắm, cùng với số tiền hơn 200 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất lưu trú bằng chất liệu thân thiện môi trường còn chưa thu hồi được vốn nay bị thu hồi, cho phá dỡ thì doanh nghiệp chỉ còn biết nhảy sông tự tử” – ông Nguyễn Hoàng Việt, Giám đốc Công ty CP Du lịch đảo Cát Dứa chua xót.

Vì thực hiện lời kêu gọi của lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Bà, nhiều người đã phải bán cả nhà, cả xe, dồn tất cả vốn liếng, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đầu tư, kinh doanh. Bây giờ, bỗng dưng bắt họ phải dừng lại, phá dỡ các công trình và không ai đả động đến chuyện bồi thường thiệt hại liệu có đúng luật?

Mặc dù không đồng tình với việc phát triển thái quá mô hình du lịch tại các vườn quốc gia cần được bảo tồn, tuy nhiên ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) cũng phải thừa nhận rằng, khái niệm “du lịch sinh thái” cần được làm rõ để có hướng quản lí một cách phù hợp và đúng luật.

Ông Neahga Leonard - Giám đốc Dự án bảo tồn Cát Bà:

Thực tế việc phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở lưu trú nhằm giữ chân khách du lịch là điều đương nhiên để phát triển du lịch và đã được phát triển trên toàn thế giới. Mặc dù, nhiều ý kiến lo ngại rằng phát triển du lịch sẽ đe dọa tới các khu vực cần bảo tồn. Song, không phải lúc nào giữa bảo tồn và phát triển cũng đối đầu nhau, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn cách phát triển làm sao giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu được lên kế hoạch và thực thi một cách cẩn trọng, việc đó có thể mang lại lợi ích to lớn cho một khu vực, cho người dân sống ở đó cũng như công tác bảo tồn tại địa phương.

Ông Nguyễn An Bình, Giám đốc Công ty CP Thương mại Thanh Bình:

Các doanh nghiệp đầu tư không sai. Vẻ đẹp Vườn Quốc gia Cát Bà có được ngày hôm nay là nhờ doanh nghiệp vượt gian khó xây dựng, được lãnh đạo qua nhiều thời kỳ biểu dương. Ngay cả Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng động viên, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện dự án. Một số doanh nghiệp còn được tặng giấy khen, bằng khen; có doanh nghiệp được đánh sao, hạng từ chính quyền.

(DĐDN sẽ tiếp tục thông tin khi có phản hồi từ TP Hải Phòng)

Có thể bạn quan tâm

  • Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ III): Sự quan ngại từ giới chuyên gia

    Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ III): Sự quan ngại từ giới chuyên gia

    22:55, 15/10/2020

  • Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ II): Doanh nghiệp

    Nở rộ dự án du lịch tâm linh (KỲ II): Doanh nghiệp "thỉnh không" hàng ngàn hecta đất

    05:00, 15/10/2020

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 14/10: Bất động sản du lịch

    ĐIỂM BÁO NGÀY 14/10: Bất động sản du lịch "ngóng luật"

    05:48, 14/10/2020

  • Kích cầu du lịch nội địa: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía!

    Kích cầu du lịch nội địa: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía!

    05:00, 12/10/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp “khốn cùng” vì “du lịch sinh thái”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO